Multimedia Đọc Báo in

Công ty TNHH Dệt sợi Regal Việt Nam: Doanh nghiệp tiên phong trong ngành dệt sợi tại Đắk Lắk

08:18, 26/09/2024

Công ty TNHH Dệt sợi Regal Việt Nam (trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa phú, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) là công ty con đầu tiên (trực thuộc Công ty TNHH Công nghệ Regal, Hồng Kông, Trung Quốc) được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động tại Việt Nam.

Đây là doanh nghiệp dệt sợi với 100% vốn đầu tư nước ngoài có quy mô lớn và hiện đại.

Ngay sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào tháng 3/2023, Công ty TNHH Dệt sợi Regal Việt Nam đã khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý; xây dựng nhà xưởng và công trình phụ trợ; lắp đặt máy móc, thiết bị để đưa dự án đi vào hoạt động.

Công ty hoạt động theo loại hình doanh nghiệp chế xuất chuyên sản xuất sợi phục vụ nguyên liệu cho ngành may mặc với tổng vốn đầu tư gần 485 tỷ đồng; quy mô sản xuất 6.800 tấn/năm. Trong đó, sợi dệt thô 1.000 tấn/năm, sợi dệt bán tinh 1.200 tấn/năm, sợi hình hoa 2.500 tấn/năm và sợi dệt tinh 2.100 tấn/năm.

Công ty TNHH Dệt sợi Regal có trụ sở tại Khu công nghiệp Hòa Phú.

Công ty TNHH Dệt sợi Regal Việt Nam được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 3 ha, với các thiết bị tiên tiến trên thế giới bao gồm máy dệt sợi nồi cọc Zinser Đức, máy se sợi mô hình mới PAFA của Ý, máy chải kỹ NSCERA của Pháp, máy dệt Dornier, máy giặt rút hai trong một của Ý, dây chuyền sản xuất len sợi cashmere OCTIR của Ý...; đồng thời tăng cường hợp tác với các nhãn hàng trong và ngoài nước, bắt kịp xu hướng dẫn đầu, thiết lập cơ chế nghiên cứu và phát triển sản phẩm một cách nhanh chóng. Công ty đi vào hoạt động đặt nền móng vững chắc cho việc cung cấp nguyên vật liệu sản xuất cho ngành may mặc với sản phẩm chất lượng cao, sau khi đi vào hoạt động ổn định sẽ tạo việc làm cho khoảng 800 lao động.

Ông Ding Feng, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: “Trong quá trình tìm hiểu, nhận thấy Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng là địa phương có nguồn lao động dồi dào và nhân lực chất lượng cao; đây cũng là thị trường tiềm năng nên phía Tổng công ty đã lựa chọn Đắk Lắk để đầu tư xây dựng nhà máy, giúp việc sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu đến tay đối tác một cách thuận tiện, nhanh chóng và giảm chi phí tốt nhất có thể. Sau khi đi vào hoạt động, Tổng bộ Công ty TNHH Công nghệ Regal, Hồng Kông (Trung Quốc) sẽ cử nhóm quản lý cấp cao đến sắp xếp cách quản lý tại nhà máy Việt Nam. Đồng thời cũng cử nhóm nhân viên có trình độ cao về nhuộm, dệt sợi, thử nghiệm đến Việt Nam để đào tạo và vận hành thực tế cho công nhân, bảo đảm ổn định đơn hàng”.

Ông Ding Feng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dệt sợi Regal Việt Nam (thứ hai từ trái sang) và lãnh đạo, cán bộ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh trao đổi hoạt động sản xuất.

Theo ông Trương Hồ Anh Hoàng, Phó Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Công ty TNHH Dệt sợi Regal Việt Nam là doanh nghiệp trong ngành dệt sợi đầu tiên ở các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Đắk Lắk. Trên địa bàn tỉnh hiện có Công ty TNHH May mặc Able Joy Đắk Lắk đang đặt mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất từ phía Công ty TNHH Công nghệ Regal. Do đó, việc đầu tư xây dựng nhà máy dệt sợi tại địa phương sẽ góp phần phát triển ngành dệt may có công nghệ cao, liên kết ngành. Ngoài ra, trước đây các doanh nghiệp ngành may mặc luôn phải nhập nguyên phụ liệu ở nước ngoài nên đây sẽ là cơ hội tốt để họ có được nguyên liệu giá rẻ; đồng thời, mở ra cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Được biết, thời gian qua, phía công ty đã tổ chức đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, quy định liên quan cho công nhân, người lao động nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nhà máy đưa vào vận hành vào cuối tháng 9/2024.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.