Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn hồ, đập: Nan giải "bài toán" kinh phí

05:34, 25/09/2024

Nhiều hạng mục hồ thủy lợi của Đắk Lắk đang bị xuống cấp, hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố đang là mối lo ngại lớn nhất trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn các hồ, đập thì cần một nguồn kinh phí rất lớn để sửa chữa, nâng cấp…

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk cho biết, hiện nay công ty đang được giao quản lý, khai thác 362 công trình gồm: 48 công trình lớn, 146 công trình vừa, 168 công trình nhỏ. Hầu hết các công trình đều được xây dựng đã lâu (có những công trình được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước), thiết kế theo tiêu chuẩn cũ đến nay đã không còn phù hợp, lại trải qua nhiều năm sử dụng, khai thác nên việc xuống cấp, hư hỏng là không thể tránh khỏi.

Đặc biệt, dưới tác động của các dạng thời tiết cực đoan, nhất là tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây vỡ đập, ảnh hưởng đến tính mạng và đời sống của nhân dân vùng hạ du. Qua kiểm tra, hiện có 73 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, 9 công trình mất an toàn và 3 công trình mất an toàn cao (hồ Ea Mrông, hồ Phù Mỹ, hồ Ea Ksuy).

Tràn xả lũ của hồ Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo) bị hư hỏng nặng, gây mất an toàn cao.

Đơn cử như hồ Phù Mỹ (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo), được xây dựng từ năm 1997, hiện nay tràn đã hư hỏng nặng, thân đập bị thấm nước, gây ra nguy cơ mất an toàn cao. Công trình này có dung tích thiết kế 174.000 m3, nếu xảy ra sự cố sẽ ảnh hưởng đến ba xã Cư Mốt, Ea Wy và Cư A Mung; số hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng là 400 - 500 hộ dọc hai bên suối. Đối với công trình này, đơn vị không cho tích nước để bảo đảm an toàn cho công trình và vùng hạ du. Tuy nhiên, điều này lại gây khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất cho người dân trong vùng vào mùa khô. 

 

“Để giải quyết vấn đề hồ, đập xuống cấp trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn thì việc xã hội hóa để huy động các nguồn lực cùng xây dựng, quản lý và khai thác là một trong những giải pháp phù hợp. Điều này không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách mà còn phát huy hiệu quả công trình, nâng cao chất lượng các dịch vụ thủy lợi, góp phần nâng cao an toàn công trình" - ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk.

Hay như hồ Ea Mrông (xã Ea Drông, TX. Buôn Hồ), hiện vai trái mái thượng lưu do xe máy kéo đi lại tạo thành các rãnh sâu 50 – 60 cm; mặt đập bằng đất kết hợp giao thông thường xuyên lầy lội vào mùa mưa; cơ đập mái hạ lưu bị thấm khi mực nước đạt mức dâng bình thường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao…

Theo ông Trịnh Quốc Bảo, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, đối với những công trình này, công ty đã chỉ đạo các phòng, ban, chi nhánh trực thuộc thường xuyên kiểm tra, quan trắc hằng ngày; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra vùng hạ du các hồ chứa, xây dựng và chuẩn bị phương án phòng, chống lụt bão; bố trí nhân lực và phương tiện túc trực 24/24 giờ vào mùa mưa.

Sở NN-PTNT cho biết, Đắk Lắk hiện có 622 đập, hồ chứa nước thủy lợi. Kết quả kiểm tra đánh giá mức độ an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2024 đối với 532/604 đập, hồ chứa cho thấy: có 234 hồ chứa an toàn (mức A); 183 hồ chứa cơ bản an toàn (mức B); 115 công trình có nguy cơ mất an toàn (mức C).

Đối với 115 công trình đánh giá mức C, có 108 công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và 7 công trình có nguy cơ mất an toàn. Qua kiểm tra, các hạng mục công trình bị hư hỏng nặng như: đập bị thấm; biến dạng mái đập; hư hỏng thân tràn, bể tiêu năng, cống và dàn van… Để bảo đảm an toàn, cơ quan chức năng đã yêu cầu hạn chế tích nước 8 công trình là tràn đất chưa được nâng cấp bị xói lở nặng và công trình xuống cấp.

Thấy rõ nhưng... "bó tay"

Mặc dù thấy rõ những nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng mất an toàn hồ, đập mùa mưa lũ, tuy nhiên việc sửa chữa, nâng cấp chỉ chủ yếu dành cho những công trình cấp thiết hoặc duy tu sửa chữa nhỏ, bởi nguồn kinh phí hạn hẹp.

Kênh chính Tây của công trình hồ chứa Ea Súp thượng (huyện Ea Súp) bị hư hỏng nghiêm trọng, gây thất thoát nguồn nước phục vụ sản xuất.

Ông Trịnh Quốc Bảo cho hay, để bảo đảm an toàn cho các công trình trong mùa mưa lũ năm 2024, công ty đã phê duyệt, triển khai phương án phòng, chống thiên tai tại các công trình và phối hợp với các cấp chính quyền địa phương cùng thực hiện.

Trước mùa mưa lũ, đơn vị đã thực hiện kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các công trình; kiểm tra thiết bị cơ khí, chạy thử liên động tràn xả lũ tại các công trình có tràn cửa van... Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác bảo đảm an toàn hồ đập trước mùa mưa lũ vẫn là thiếu kinh phí đầu tư sửa chữa, nâng cấp các công trình hư hỏng, xuống cấp… bởi nguồn thu của công ty chủ yếu từ hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Nguồn kinh phí bảo trì được trích ra từ nguồn thu này mới chỉ cơ bản bảo đảm cho việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ các hư hỏng tại công trình.

Trong khi đó, để thực hiện các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Khí tượng thủy văn, Luật Phòng, chống thiên tai đối với các công trình công ty đang quản lý cần khoảng 308 tỷ đồng. Đây là nguồn kinh phí rất lớn, vượt ngoài khả năng của công ty nên cần có sự đầu tư từ các nguồn lực khác.

Theo Sở NN-PTNT, hằng năm thiên tai gây thiệt hại cho các công trình thủy lợi không nhỏ. Chỉ tính riêng năm 2023, thiên tai đã làm cho 7 đập, tràn xả lũ bị sạt lở, hư hỏng; gần 30.000 m kênh mương bị vỡ, sạt, trôi, hư hỏng… gây thiệt hại về thủy lợi trên 18 tỷ đồng. Đối với 115 đập, hồ chứa nước hư hỏng, đơn vị dự trù tổng kinh phí gần 823 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đã được bố trí sửa chữa, nâng cấp cho 12 công trình trong năm 2024 là gần 56 tỷ đồng; kinh phí dự kiến cần để đầu tư nâng cấp cho 103 công trình nhưng chưa có nguồn vốn là gần 767 tỷ đồng..

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc