Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana:

Hiệu quả bước đầu từ các mô hình sản xuất cà phê hữu cơ

08:42, 20/09/2024

Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ đang là xu thế tất yếu vì những lợi ích như: bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cho người sản xuất, người tiêu dùng.

Không đứng ngoài xu thế đó, những năm qua, Hội Nông dân huyện Krông Ana đã tập trung vận động, hỗ trợ người dân kỹ thuật sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ.

Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, hội còn giới thiệu nông sản của nông dân địa phương trong các chương trình xúc tiến thương mại ở trong và ngoài tỉnh, chủ động liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cà phê hữu cơ cho người dân.

Từ đó, nhiều nông dân, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn xây dựng các mô hình cà phê hữu cơ và bước đầu đạt hiệu quả kinh tế cao. Đơn cử như Tổ hợp tác Nông nghiệp hữu cơ xã Bình Hòa được thành lập năm vào 2022, với mục đích tạo vùng nguyên liệu sạch, hướng dẫn người dân canh tác theo hướng hữu cơ. Gồm 13 thành viên và 25 ha cà phê, tổ hợp tác hiện đã liên kết, bán sản phẩm trực tiếp cho các đơn vị rang xay nhằm thu lại lợi nhuận cao nhất.

Vườn cà phê hữu cơ của anh Huỳnh Đức Duy (bìa trái) - thành viên Tổ hợp tác Nông nghiệp hữu cơ xã Bình Hòa.

Gia đình anh Huỳnh Đức Duy (xã Bình Hòa) có 8 sào cà phê nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2022, anh Duy quyết định tham gia vào Tổ hợp tác Nông nghiệp hữu cơ xã Bình Hòa để học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao năng suất, giá trị vườn cà phê của gia đình.

Qua đó, anh đã biết cách tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vi sinh, được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc theo từng chu kỳ, tổ chức chế biến theo đúng quy trình, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm…

Từ đó, anh mạnh dạn chuyển đổi sang phát triển cà phê hữu cơ, không sử dụng bất kỳ loại hóa chất nào trong quá trình trồng, chăm sóc, chế biến. Với diện tích 8 sào cà phê, hiện trung bình mỗi năm gia đình anh thu về gần 3 tấn quả tươi. Anh Duy chia sẻ, sau khi chuyển sang hướng phát triển cà phê hữu cơ, sản lượng có giảm đi nhưng được bán với giá ổn định và cao hơn mặt bằng chung của thị trường nên nguồn thu nhập mang lại cao hơn so với trước đây.

Còn anh Lữ Văn Kỳ (thôn 5, xã Bình Hòa) đã sản xuất cà phê theo hướng hữu cơ từ năm 2013. Ấp ủ ước mơ làm nông nghiệp sạch, anh Kỳ tự đi học hỏi các mô hình khác nhau ở trong và ngoài tỉnh; tìm hiểu các loại phân bón hữu cơ và thuốc diệt sâu bệnh sinh học qua sách, báo, mạng xã hội...

Trải qua nhiều năm phát triển mô hình sản xuất cà phê hữu cơ, anh đã tìm ra cách ủ phân chuồng cùng hoa dã quỳ băm nhỏ với nấm đối kháng để bón cho cây phát triển khỏe mạnh; nấu phân sinh học từ axit photphoric (H3PO4) kết hợp với xương, lông gà, vịt… để tưới cho cây, mang lại hiệu quả cao.

Anh Lữ Văn Kỳ (thôn 5, xã Bình Hòa, huyện Krông Ana) tự ủ phân bón cho vườn cà phê.

Ngoài ra, anh Kỳ còn nghiên cứu ủ được sản phẩm diệt sâu bọ sinh học từ tỏi, ớt, hoa xuyến chi… dùng để diệt rầy đen và rệp sáp trên cây cà phê và các loại cây ăn quả khác. Việc thay thế hoàn toàn phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cho cây cà phê giúp anh giảm 2/3 chi phí đầu vào và mang lại lợi nhuận cao. Hiện gia đình anh Kỳ sở hữu 1,7 ha cà phê, mỗi năm thu được khoảng 4 - 5 tấn cà phê nhân, cho thu nhập ổn định hơn 300 triệu đồng/năm.

Theo anh Kỳ, những nguyên liệu giàu đạm, lân, kali như cá, đậu nành, ốc, rong biển, trứng… để ủ phân không cần tươi sống nên anh mua được với giá rất rẻ, khi ủ số lượng lớn sẽ có dư để bán cho người dân. Cũng nhờ phát triển cà phê theo hướng hữu cơ, hiện nay gia đình anh còn có thêm một khoản thu nhập khá từ việc bán các phụ phẩm khác từ cà phê như trà hoa cà phê, trà vỏ cà phê…

Ông Y Thắng Bdap, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana cho biết, trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng thực hiện liên kết vùng, đăng ký chứng nhận OCOP, VietGAP… cho các loại nông sản chủ lực, trong đó có cà phê để nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.