Multimedia Đọc Báo in

Nông dân Krông Bông bội thu dứa trái vụ

08:22, 10/09/2024

Để phát huy hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập, nông dân trồng dứa ở huyện Krông Bông đã áp dụng quy trình, kỹ thuật cho ra quả trái vụ, giúp sản phẩm được tiêu thụ thuận lợi, giá bán cao hơn hẳn so với chính vụ.

Dứa trở thành cây trồng chính của gia đình anh Y Lập Êban (buôn Chàm B, xã Cư Drăm) nhiều năm nay, nhưng đây là năm gia đình có nguồn thu cao nhất kể từ khi "bén duyên" với cây trồng này.

Anh Y Lập vui mừng cho hay: “Trước đây gia đình trồng dứa chỉ để cho ra trái tự nhiên, chính vụ thu hoạch từ tháng 4 - 6 dương lịch hằng năm. Do cùng thời điểm thu hoạch dứa của người dân trên địa bàn nên thu hoạch không kịp, quả hư hỏng nhiều, giá bán thấp, thường xuyên bị thương lái ép giá, nhiều thời điểm không có người thu mua. Ba năm nay trở lại đây, gia đình tôi bắt đầu áp dụng kỹ thuật kích ra quả trái vụ. Đối với diện tích cho quả đợt đầu thì gia đình kích ra hoa đồng loạt, còn dứa thu hoạch năm thứ hai sẽ chọn những cây phát triển khỏe mạnh để xử lý cho ra trái vụ quả to, đẹp, giá bán cũng cao hơn”.

Những ngày này, gia đình anh Y Lập đang tất bật thu hoạch 2 ha dứa, thương lái đến tận nhà thu mua với giá từ 3.500 - 23.000 đồng/quả. Sau khi trừ chi phí, mang lại thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha cho gia đình.

Vườn dứa trái vụ của gia đình anh Y Lập Êban (buôn Chàm B, xã Cư Drăm) chuẩn bị cho thu hoạch.

Là một trong những hộ có diện tích trồng dứa nhiều của địa phương, hiện gia đình chị Trần Thị Thương (buôn Khóa, xã Cư Pui) có 20 ha giống dứa Cayen, trong đó 12 ha đã được thu hoạch. Gia đình chị cũng áp dụng kỹ thuật xử lý cho quả trái vụ và thu hoạch rải rác từ tháng 2 dương lịch cho đến nay.

Theo chị Thương, làm dứa trái vụ thường gặp thời tiết không thuận lợi, trời nắng nóng phải che quả sớm, còn mùa mưa quả thường bị chua hơn nên phải thu hoạch sớm, do đó mất nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư cao, nhưng bù lại giá bán cao hơn và nhất là không lo về đầu ra.

Vừa qua, gia đình cũng bán một phần sản phẩm cho Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình). Công ty thu mua đồng loạt với giá 9.000 đồng/kg, tạo nhiều thuận lợi về khâu thu hoạch, giá cả, đầu ra… nên người dân rất phấn khởi. Với lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha, đây được xem là mùa dứa thắng lợi nhất của gia đình chị trong vài năm trở lại đây.

Chị Trần Thị Thương (buôn Khóa, xã Cư Pui) kiểm tra độ già của dứa để chuẩn bị thu hoạch.

Huyện Krông Bông có hơn 2.000 ha chủ yếu trồng giống dứa Cayen, tập trung tại các xã Cư Drăm, Cư Pui, Yang Mao. Ông Võ Tấn Trực, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Bông cho biết, là cây trồng tiềm năng của địa phương, cây dứa đang phát triển mạnh, diện tích tăng liên tục, giúp đời sống người dân ngày càng nâng cao. Cùng với đó, người dân tích cực áp dụng kỹ thuật cho ra quả trái vụ, không chỉ giá bán cao hơn so với chính vụ mà còn chủ động được nguồn hàng cung cấp cho thị trường mọi thời điểm trong năm.

Để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm dứa, tháng 5 vừa qua, huyện Krông Bông đã ký kết hợp tác với Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) thu mua dứa trên địa bàn huyện. Đồng thời, thành lập thêm tổ hợp tác liên kết trồng dứa để thuận lợi cho việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của công ty. Hiện công ty đang thu mua sản phẩm cho người dân với giá cả và đầu ra ổn định.

Với định hướng xây dựng thành vùng nguyên liệu dứa khoảng 3.000 – 4.000 ha, công ty sẽ xây dựng nhà máy sản xuất, chế biến tại địa phương, đồng hành cùng người dân xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Ngoài giống dứa Cayen, địa phương tiếp tục nhân rộng thêm giống dứa MD2 với lợi thế xuất khẩu, sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển loại cây trồng này.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.