Multimedia Đọc Báo in

Vươn lên nhờ thay đổi nếp nghĩ, cách làm

08:23, 19/09/2024

Hưởng ứng cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số” giai đoạn 2021 - 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Buôn Đôn đã rà soát, lập danh sách, phân loại hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ và gia đình hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để có các giải pháp, kế hoạch giúp đỡ cụ thể, phù hợp với hoàn cảnh từng hộ.

Theo đó, Hội LHPN huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn ưu đãi, giúp cây, con giống, vật tư nông nghiệp, ngày công lao động, giới thiệu việc làm, kinh doanh... Từ đó, nhiều chị em người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện từng bước thay đổi tư duy, lựa chọn cách làm phù hợp với điều kiện thực tế để đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập cho gia đình.

Đơn cử như gia đình chị Phùng Thị Mai (dân tộc Tày, ở thôn 7, xã Ea Huar) có khoảng 5 ha đất trồng điều. Để phát triển kinh tế gia đình, chị Mai đã thử trồng nhiều loại cây trồng khác nhưng do đất đai bạc màu chỉ phù hợp với các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn... nên hiệu quả không cao. Tháng 5/2024, Hội LHPN xã đã hỗ trợ gia đình chị Mai 5 con heo rừng lai và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, đàn heo tăng cân đều, ít bệnh tật, hiện đã đạt trọng lượng từ 30 - 40 kg/con. Chị Mai quyết định giữ lại 3 con heo rừng lai để gây đàn.

Đại diện Hội LHPN xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn (bên trái) thăm mô hình nuôi heo rừng lai của hội viên Phùng Thị Mai ở thôn 7.

Hay như nhà chị Riêu Thị Tươi (dân tộc Tày, ở thôn Sình Mây, xã Cuôr Knia) có 2 ha đất, trước đây chị trồng lúa và hoa màu theo phương thức truyền thống nên năng suất kém, thu nhập không ổn định.

 

“Việc lựa chọn hội viên tham gia mô hình phát triển kinh tế, hỗ trợ sinh kế được dựa trên các yếu tố: tích cực, năng động, có trách nhiệm, chịu khó học hỏi nâng cao kiến thức, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi...”- H’Bon Du, Chủ tịch Hội LHPN huyện Buôn Đôn.

Năm 2021, sau khi được dự lớp tập huấn về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp do Hội LHPN huyện tổ chức, chị mạnh dạn chuyển sang trồng dâu nuôi tằm. Vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, đến nay mỗi lứa tằm (15 ngày chăm sóc) thu từ 150 - 200 kg kén, với giá bán từ 150 - 240 nghìn đồng/kg, trừ các khoản chi phí, chị Tươi có lợi nhuận gần 20 triệu đồng.

Phát huy tinh thần "tương thân tương ái", từ thực tế sản xuất của mình, thông qua Hội LHPN xã, chị Tươi thường xuyên phổ biến, chia sẻ kinh nghiệm về trồng dâu nuôi tằm cho 30 hội viên phụ nữ khó khăn ở địa phương. Đến nay, đã có 20 hội viên phụ nữ trong xã có cuộc sống ổn định, góp phần xóa nghèo nhờ trồng dâu nuôi tằm.

Bà H’Bon Du, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết, để cổ vũ hội viên phụ nữ vươn lên thoát nghèo, năm 2024, Hội LHPN huyện tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thay đổi nếp nghĩ, cách làm, hỗ trợ vươn lên thoát nghèo bền vững. Theo đó, Hội đặt mục tiêu 100% hộ phụ nữ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo được tuyên truyền, phổ biến về nội dung cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS”; từ 5% hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện mỗi năm.

Hội LHPN huyện Buôn Đôn tổ chức cho hội viên phụ nữ các cơ sở hội tham quan, học tập mô hình trồng dâu nuôi tằm của chị Riêu Thị Tươi ở xã Cuôr Knia.

Trên cơ sở mục tiêu đặt ra, các cấp hội sẽ huy động tối đa các nguồn lực hỗ trợ xây dựng 9 mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm với 59 thành viên tham gia; tìm các giải pháp, cách làm phù với từng xã nhằm hỗ trợ phụ nữ DTTS làm chủ hộ nâng cao kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp hiệu quả; đồng thời nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 3.258 hội viên nghèo vay vốn, với dư nợ hiện tại hơn 152 tỷ đồng, giúp đỡ hội viên phụ nữ sản xuất, kinh doanh…

Bên cạnh đó sẽ phát huy sự nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm vào cuộc của các cấp hội, tạo động lực thi đua, phấn đấu trong thực hiện thay đổi nếp nghĩ, cách làm; từng bước giúp chị em DTTS từ bỏ tập quán lạc hậu, biết cách thức làm ăn, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, quản lý chi tiêu kinh tế gia đình và sử dụng đồng tiền có hiệu quả, tích lũy để tái đầu tư sản xuất; giúp họ không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tự lực vươn lên giảm nghèo.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.