Xây dựng thương hiệu - Từ lễ hội đến thị trường
Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II đã tạo được hiệu ứng mạnh cho quảng bá sầu riêng Đắk Lắk cũng như thương hiệu "Sầu riêng Krông Pắc", mở ra cơ hội rất lớn cho việc định hướng chiến lược ngành hàng trái cây thế mạnh của tỉnh.
Xác định chiến lược ngành hàng
Được xem là một hoạt động trọng tâm của Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, Hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững đã quy tụ đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia đầu ngành đến nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Tại đây, vấn đề trọng tâm trong việc phát triển sầu riêng bền vững tại Đắk Lắk cũng như cả nước đã được bóc tách, phân tích và đưa ra những giải pháp cụ thể.
Việc tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu là yêu cầu bắt buộc đối với doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng. |
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay Tây Nguyên đã vượt qua Đồng bằng sông Cửu Long và trở thành vùng sản xuất sầu riêng lớn nhất cả nước, khi chiếm 50% diện tích và hơn 40% sản lượng. Sầu riêng Tây Nguyên cũng có lợi thế cạnh tranh về thời vụ trên thị trường xuất khẩu với các nước trong khu vực. Chính vì điều kiện tự nhiên đặc thù, sầu riêng ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng đã mở rộng và kéo dài thời gian thu hoạch, tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho sầu riêng Việt Nam so với Thái Lan và các nước trong khu vực.
“Ngành hàng sầu riêng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta sớm nhận diện đầy đủ những tiềm năng, cơ hội, đan xen với những khó khăn, thách thức, kịp thời khắc phục những hạn chế dựa trên tầm nhìn chiến lược và các giải pháp đồng bộ về phát triển ngành hàng hiệu quả, bền vững" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn. |
Ông Peter Johnson, chuyên gia của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) phân tích: Sản lượng sầu riêng ở Việt Nam tăng đáng kể và được thúc đẩy bởi tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việt Nam có lợi thế từ việc kéo dài mùa cung ứng, tuy nhiên nhược điểm là chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, việc tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến để đáp ứng yêu của nước nhập khẩu chưa cao; kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất, chế biến, vận chuyển vẫn còn kém…
Hiện nay, phân khúc sầu riêng đông lạnh do Thái Lan và Malaysia thống trị, song Việt Nam cũng đã ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Trung Quốc, tạo ra cơ hội đáng kể để mở rộng thị trường.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần quan tâm và đưa ra chiến lược cho sản phẩm bột sầu riêng, bởi hiện nay nhu cầu về các sản phẩm có hương vị sầu riêng đã tăng lên đáng kể.
Nhiều cơ hội cho sầu riêng
Diện tích sầu riêng của Đắk Lắk đã chiếm lĩnh vị trí thứ nhất của cả nước, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300.000 tấn. Đến nay toàn tỉnh đã được phía Trung Quốc phê duyệt 23 cơ sở đóng gói và 68 mã vùng trồng, với tổng diện tích 2.521 ha và đang chờ phía Trung Quốc phê duyệt 206 vùng trồng khác, với diện tích khoảng 5.000 ha.
Định hướng của tỉnh trong thời gian tới là tập trung thực hiện theo Đề án phát triển ngành hàng sầu riêng, bơ đến năm 2030. Trong đó, diện tích sầu riêng phát triển ổn định khoảng 40.000 ha, sản lượng khoảng 790.000 tấn; diện tích được chứng nhận và cấp mã số vùng trồng khoảng 26.000 ha. Mục tiêu của đề án nhằm thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn quy định tại Nghị thư xuất khẩu sầu riêng quả tươi và sầu riêng cấp đông đã được ký kết.
Sầu riêng xuất khẩu chính ngạch được các doanh nghiệp đóng gói cẩn thận trước khi vận chuyển lên xe. |
Theo ông Mahesh Chand Giri, Quyền Tổng lãnh sự Ấn Độ tại TP. Hồ Chí Minh, Ấn Độ là thị trường tiềm năng của sản phẩm sầu riêng, bởi đây là thị trường có dân số đông nhất thế giới.
Tại thị trường Ấn Độ, giá bán sầu riêng từ 15 – 20 USD/kg, nếu có khoảng 10 - 20% dân số Ấn Độ tiêu thụ sầu riêng thì đó là một thị trường cực kỳ lớn. Ấn Độ luôn có những hoạt động thương mại, quảng bá sản phẩm nông sản, thực phẩm cho các nước trên thế giới, nhất là Hội chợ triển lãm “Thế giới Thực phẩm Ấn Độ” (World Food India) tổ chức hằng năm ở Thủ đô New Delhi, với hơn 100 quốc gia tham dự.
Đây là cơ hội cực kỳ lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam tiếp cận thị trường của Ấn Độ và hàng trăm quốc gia khác. Do đó, Đắk Lắk cũng như huyện Krông Pắc cần đặc biệt lưu tâm đến cơ hội này. Các DN Việt Nam nên mang sầu riêng sang thị trường Ấn Độ để triển lãm và kết nối các nhà đầu tư, từ đó tạo được những thỏa thuận giữa hai chính phủ trong việc thương mại sản phẩm này.
Theo GS.TS. Trần Văn Hâu, cựu giảng viên cao cấp, Trường Đại học Cần Thơ, để sản xuất sầu riêng được bền vững, các thành phần trong chuỗi giá trị cần tập trung sản xuất sầu riêng đạt chất lượng tốt nhất, góp phần xây dựng thương hiệu sầu riêng của địa phương cũng như của Việt Nam để có thể cạnh tranh với sầu riêng của các nước và phát triển ở thị trường nội địa.
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc