Multimedia Đọc Báo in

Chuyển biến từ nông thôn mới nâng cao ở Hòa Sơn

08:20, 15/10/2024

Hòa Sơn là xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Krông Bông vào năm 2020. Nhận định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng, xã Hòa Sơn tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao, tạo diện mạo, sức sống mới cho địa phương.

Chỉnh trang diện mạo nông thôn

Từ những kết quả đạt được từ Chương trình xây dựng NTM, người dân địa phương ngày càng nhận thức được vai trò chủ thể của mình, tích cực đóng góp tiền, hiến đất, ngày công xây dựng đường giao thông nông thôn, hội trường thôn, đường điện thắp sáng…

Đến nay, 100% tuyến đường trục xã, liên xã, đường thôn, buôn được cứng hóa, bê tông hóa; đường ngõ xóm cứng hóa 87%; 9/15 nhà sinh hoạt cộng đồng có sân chơi bóng chuyền; 7 thôn có điện chiếu sáng vào ban đêm; không còn nhà tạm, nhà dột nát…

Từ năm 2023 đến nay, cùng với sự hỗ trợ của xã, người dân thôn 1 đã đóng góp 190 triệu đồng và ngày công lao động làm 220 m đường bê tông, giúp 100% các tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa, cứng hóa sạch đẹp, đi lại thuận lợi. Ngoài ra, người dân còn lắp đặt 2 km đường điện chiếu sáng, với tổng kinh phí 108 triệu đồng và đồng tình đóng 13.000 đồng/hộ/năm để chi trả tiền điện.

Tuyến đường điện chiếu sáng do người dân thôn 1 (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) đóng góp xây dựng.

“Các con đường trong thôn được trồng cây xanh mát, đường giao thông sạch đẹp, có điện chiếu sáng về đêm, người dân tích cực thu gom, phân loại rác thải tại nhà… giúp môi trường nông thôn ngày càng xanh sạch. Nhìn những thành quả do chính mình đóng góp, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi, có động lực để tiếp tục chung tay chỉnh trang, vun đắp cho khuôn viên sống của gia đình và cảnh quan chung của địa phương thêm xanh – sạch – đẹp, xây dựng đời sống văn minh”, ông Trịnh Minh Dũng, Trưởng thôn 1 chia sẻ.

Phát huy thế mạnh sản xuất

Xã Hòa Sơn đã tận dụng các nguồn lực hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Nghị quyết số 04-NQ/HU, ngày 27/12/2016 của Huyện ủy Krông Bông về chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025 đã hỗ trợ người dân trên địa bàn xã chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây vải thiều phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương.

Đến nay, xã đã nhân rộng được 200 ha vải, trong đó 140 ha đã cho thu hoạch. Với ưu thế chín sớm, vải thiều ở Hòa Sơn được thương lái mua với giá cao, mang lại lợi nhuận 300 - 400 triệu đồng/ha. Ngoài ra, người dân còn được hỗ trợ xây dựng các mô hình trồng lúa ST24, ST25…

Người dân xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) chăm sóc cây vải thiều.

Bên cạnh trồng trọt, địa phương tập trung phát huy thế mạnh chăn nuôi. Hiện 80% người dân trên địa bàn xã chăn nuôi bò. Năm 2022, Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi bò nhốt thâm canh đã được thành lập với 22 thành viên, chăn nuôi hơn 100 con bò lai. Các thành viên tích cực tham gia các lớp tập huấn, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm, giúp việc chăn nuôi hiệu quả. Bò được thương lái và Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Tây Sơn trên địa bàn thu mua.

Ông Lê Văn Thành (thôn 7), thành viên Chi hội Nông dân nghề nghiệp nuôi bò nhốt thâm canh cho hay, sau khi nuôi được 12 – 15 tháng, gia đình sẽ xuất bán bò thịt. Trung bình mỗi gia đình nuôi 8 con bò đực lai, mang lại lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm.

Cùng với đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 cũng hỗ trợ cho hộ nghèo 1 – 2 con bò, tạo động lực cho hộ dân chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo.

Ngoài ra, xã còn có 49 trang trại chăn nuôi heo khép kín, áp dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất, lắp đặt hệ thống camera giám sát, hệ thống làm mát, máng uống nước tự động… Một số người dân đã hình thành nhóm hộ hỗ trợ nhau chăn nuôi, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa.

Ông Hồ Quang Vũ, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết, với sự nỗ lực của chính quyền xã và sự đoàn kết, đồng lòng của nhân dân, đến nay xã đã hoàn thành 13/19 tiêu chí NTM nâng cao. Với các giải pháp đẩy mạnh sản xuất hiệu quả, hỗ trợ giảm nghèo từ các chương trình, dự án; tăng cường hướng dẫn người dân xuất khẩu lao động… trong năm 2024, xã phấn đấu hoàn thành thêm tiêu chí thu nhập và giảm nghèo đa chiều xuống dưới 8,5%. Địa phương đang tích cực khơi dậy sự đồng thuận trong nhân dân, cùng sự hỗ trợ của Nhà nước để sớm hoàn thành các tiêu chí còn lại, phấn đấu “về đích” NTM nâng cao vào năm 2025.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.