Multimedia Đọc Báo in

Công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Krông Bông: “Lỗ hổng” nguồn nhân lực

07:47, 02/10/2024

Dù đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) nhưng vì nhiều nguyên nhân khác nhau, hiện nay huyện vùng sâu Krông Bông vẫn còn gặp không ít khó khăn trong công tác này.

Áp lực lớn

Krông Bông có tổng diện tích đất tự nhiên trên 125.695 ha, dân số 92.859 người, với 25 dân tộc cùng sinh sống. Đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay trên địa bàn huyện vẫn còn những hộ dân thiếu đất ở, đất sản xuất, cuộc sống chủ yếu dựa vào rừng.

Trên địa bàn huyện có hơn 92.676 ha đất rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích đất có rừng gần 68.766 ha đã giao cho các đơn vị quản lý; còn gần 12.961 ha rừng chưa giao, hiện do UBND cấp xã quản lý. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng của xã chủ yếu là kiêm nhiệm, dẫn đến khó có thể thực hiện hết trách nhiệm QLBVR tại địa phương.

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Chư Yang Sin phối hợp cùng người dân tuần tra, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Cư Pui.

Trong khi đó, theo Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông, hiện nay lực lượng kiểm lâm của huyện được biên chế quá ít so với yêu cầu nhiệm vụ. Đơn vị hiện có 16 biên chế công chức, so với Đề án vị trí việc làm đã xây dựng (25 biên chế), mới chỉ đạt 64%. Hạt bố trí 10 kiểm lâm địa bàn phụ trách 9 xã, trong đó có 5 công chức kiêm nhiệm vừa làm bộ phận chuyên môn, vừa kiêm kiểm lâm địa bàn. Trung bình mỗi kiểm lâm địa bàn phụ trách gần 6.877 ha rừng, trong đó cá biệt có 1 kiểm lâm địa bàn phụ trách hơn 30.000 ha rừng. Chưa kể, ngoài diện tích rừng phải quản lý thì kiểm lâm viên phải thực hiện các nhiệm vụ theo dõi diễn biến tài nguyên rừng, phát triển rừng trên diện tích đất lâm nghiệp (đất chưa có rừng) và diện tích đất nằm ngoài quy hoạch.

Hơn một năm gắn bó với những cánh rừng ở xã Yang Mao (xã xa nhất của huyện), đối với anh Phan Văn Định, kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, dấu ấn sâu đậm nhất có lẽ là những chuyến đi dài ngày trong rừng.

Anh Định kể: Một tuần có 7 ngày thì mất đến 5 - 6 ngày anh ở trong rừng. Diện tích rừng của xã lên đến trên 30.000 ha trong khi đó chỉ có 1 kiểm lâm địa bàn quản lý và bảo vệ. Địa hình lại toàn núi cao hiểm trở, tiếp giáp với nhiều tỉnh. Trong khi đó ban bảo vệ phát triển rừng của xã chủ yếu kiêm nhiệm. Hơn nữa, kiểm lâm địa bàn phải thực hiện nhiều đợt truy quét cùng đoàn liên ngành của huyện, thời gian truy quét nhiều, dẫn đến công tác quản lý rừng gặp rất nhiều khó khăn.

Khó tìm người

Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, từ năm 2017 đến nay, công ty đã có đến 24 cán bộ, nhân viên làm công tác QLBVR nghỉ việc, trong đó có cả cán bộ quản lý.

Nguyên nhân khiến nhiều người không gắn bó được với công việc này là do thu nhập thấp, trong khi trách nhiệm lại cao. Hiện nay công ty đang quản lý hơn 21.575 ha rừng, chia làm 6 phân trường và thành lập 6 chốt quản lý. Trong 6 chốt này có đến 3 chốt hiện chưa có điện, nước sinh hoạt và sóng điện thoại.

Từ năm 2017 đến nay, đơn vị không tuyển được nhân lực có chuyên môn về lâm nghiệp. Để phục vụ cho công tác QLBVR, công ty phải tuyển lao động phổ thông. Tuy nhiên, phần lớn số lao động này đều không có trình độ chuyên môn lâm nghiệp, không am hiểu công nghệ thông tin và không có kiến thức nền nên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn.

Huyện Krông Bông đã thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra và truy quét nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Bông Lê Văn Long, diện tích rừng trên địa bàn không những lớn mà địa hình còn nhiều núi cao hiểm trở, dốc đứng, đường sá đi lại rất khó khăn. Trong khi đó, lực lượng QLBVR, kiểm lâm còn quá mỏng nên không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, chế độ, chính sách đãi ngộ còn hạn chế dẫn đến nhiều cán bộ, nhân viên QLBVR xin nghỉ công tác, việc tuyển dụng nhân sự mới cũng gặp nhiều khó khăn.

“Để giảm áp lực cho công tác giữ rừng, huyện đã kiến nghị với UBND tỉnh đề xuất với Trung ương có cơ chế, chính sách, chế độ đãi ngộ đặc thù, thỏa đáng cho cán bộ làm công tác QLBVR. Đồng thời, đề xuất UBND tỉnh tăng số lượng biên chế kiểm lâm cũng như lực lượng bảo vệ rừng cho huyện để triển khai tốt các nhiệm vụ được giao”, ông Lê Văn Long cho biết.

Trong 9 tháng năm 2024, trên địa bàn huyện Krông Bông đã xảy ra 269 vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp, trong đó có 248 vụ phá rừng với diện tích bị thiệt hại là 63,64 ha.

Khải  Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.