Multimedia Đọc Báo in

Cùng nông dân liên kết sản xuất

09:35, 11/10/2024

Với thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, nông dân huyện Krông Ana đã và đang không ngừng nâng cao vị thế, tham gia ngày càng nhiều vào các chuỗi sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp với nhiều mô hình hiệu quả, quy mô lớn, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia.

“Bắt tay” nâng cao thu nhập cho nông hộ

Ông Trương Minh Vũ (thôn Hòa Trung, xã Ea Bông) hiện có 1,8 ha sầu riêng. Trước đây, ông Vũ gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc, tiêu thụ loại trái cây này. Nguyên nhân do canh tác đơn lẻ, lạm dụng phân hóa học nên cây nhanh bị suy kiệt. Đến kỳ thu hoạch thì phụ thuộc vào thương lái, giá bán bấp bênh.

Tháng 9/2022, được sự hỗ trợ từ Hội Nông dân xã, ông Vũ đứng ra vận động các hộ dân trong vùng cùng liên kết lại thành lập Tổ hợp tác (THT) sầu riêng Bội Thu. Với vai trò là tổ trưởng THT, ông Vũ đã kết nối với các đơn vị để hỗ trợ các thành viên trong THT được chuyển giao kỹ thuật về nông nghiệp, quy trình sản xuất an toàn, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm; đồng thời ký kết hợp đồng tiêu thụ với doanh nghiệp, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm.

Thành viên Tổ hợp tác Gạo thơm 10/3 giới thiệu về mô hình liên kết sản xuất lúa an toàn theo chuỗi giá trị.

Từ 6 thành viên ban đầu, đến nay THT đã có 52 thành viên tham gia với tổng diện tích gần 52 ha, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha, cho thu nhập bình quân 2 tỷ đồng/ha/năm. THT cũng đã phối hợp với Công ty Nam Đô xây dựng mã vùng trồng sầu riêng cho diện tích canh tác của các thành viên.

Ông Trương Minh Vũ cho hay: “Khi thành lập THT, người dân được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc sầu riêng. Nhờ chăm sóc đúng cách nên cây sầu riêng phát triển, chống chịu sâu bệnh tốt hơn. Bên cạnh đó, khi liên kết, doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ trái cho nông dân với giá cao hơn giá thị trường; đưa ra các quy định đối với việc chăm sóc, thu hoạch. Điều này giúp nâng cao năng suất cây trồng, chất lượng trái luôn bảo đảm”.

Với mong muốn thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật, chủ động liên kết, sản xuất theo chuỗi, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, đem lại thu nhập ổn định hơn, năm 2023 có 19 nông hộ ở xã Ea Bông đã cùng liên kết thành lập THT Gạo thơm 10/3.

Ông Đỗ Văn Chơn, thành viên THT Gạo thơm 10/3 chia sẻ: “THT hiện canh tác giống lúa Đài thơm 8 trên tổng diện tích 30 ha. Khi tham gia liên kết sản xuất, chúng tôi được hỗ trợ chi phí cung ứng vật tư đầu vào, bao tiêu lúa hàng hóa đầu ra ổn định. Đặc biệt, giảm được mức độ rủi ro do thương lái ép giá và thu mua với giá cao hơn giá thị trường. Song song đó, nông dân tham gia liên kết còn được Phòng NN-PTNT, Hội Nông dân huyện hỗ trợ tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất lúa để nâng cao năng suất, chất lượng, hướng đến sản xuất lúa an toàn, sản xuất hữu cơ và bảo vệ môi trường. Sau 2 mùa vụ, lợi nhuận sản xuất lúa của nông dân tăng thêm từ 1,2 - 1,8 triệu đồng/ha so với sản xuất truyền thống trước đây. Mọi người đều phấn khởi”.

Tiếp sức cho nông dân

Những năm qua, Hội Nông dân huyện Krông Ana luôn dành sự quan tâm rất lớn cho mô hình hợp tác, liên kết trong nông nghiệp. Hội đã tích cực, chủ động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp; phối hợp bồi dưỡng, trang bị kiến thức về tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân, nhất là chủ trang trại, gia trại; tổ chức các đoàn nghiên cứu, học tập mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi ở trong và ngoài tỉnh; phối hợp mời các chuyên gia, các nhà khoa học đầu ngành trao đổi thông tin, kinh nghiệm thực tiễn về các mô hình cây trồng, vật nuôi có hiệu quả đã và đang được triển khai trên cả nước, chia sẻ những kiến thức về khởi nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ruộng lúa của thành viên Tổ hợp tác Gạo thơm 10/3.
Hiện nay huyện Krông Ana có 7 hợp tác xã và 23 tổ hợp tác do hội nông dân vận động, hướng dẫn thành lập.

Hội đã xây dựng kế hoạch và chương trình hành động để cán bộ, hội viên phát triển các loại hình kinh tế tập thể, hợp tác phù hợp với từng địa bàn, từng ngành nghề và trình độ phát triển ở từng khu vực để giải quyết những khâu, những việc mà các hộ không làm được hoặc làm không có hiệu quả. Đồng thời, nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể, vận động nông dân tích tụ ruộng đất để liên kết với doanh nghiệp sản xuất hàng hóa tập trung.

Riêng trong năm 2023, Hội Nông dân huyện đã hướng dẫn thành lập 1 HTX, 3 THT gồm HTX sản xuất Ca cao hạt Tân Thành (xã Ea Na); THT Nông nghiệp hữu cơ (xã Bình Hòa); THT sầu riêng (xã Băng A Drênh) và THT Gạo thơm 10/3 (xã Ea Bông) và tiếp tục duy trì các THT, HTX hoạt động hiệu quả như THT Trồng cây ăn trái; THT Sầu riêng Bội Thu...

Ông Y Thắng Bdap, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Krông Ana cho hay: “Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nền nông nghiệp đang hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh hỗ trợ của các cấp, ngành, sự vào cuộc tích cực của hội nông dân các cấp thì sự đổi mới tư duy, cách làm của người nông dân trong liên kết sản xuất, thành lập và phát triển kinh tế tập thể, tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa cũng hết sức quan trọng. Chính vì vậy, mỗi nông dân cần chủ động trang bị kiến thức về quy trình sản xuất an toàn, áp dụng khoa học - kỹ thuật, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc