Multimedia Đọc Báo in

Siết chặt cấp phép và khai thác khoáng sản

08:11, 11/10/2024

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng công tác cấp phép, quản lý, kiểm soát khai thác khoáng sản theo đúng quy hoạch, bảo đảm an toàn, tránh tác động lớn đến môi trường, hạn chế thất thoát tài nguyên.

Bảo đảm cấp phép đúng quy hoạch

Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường, về tình hình cấp phép tại khu vực không đấu giá, toàn tỉnh hiện có 71 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực.

Cụ thể, có 48 giấy phép khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, 2 giấy phép khai thác sét sản xuất gạch và 21 giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường. Hầu hết các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác trước ngày Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực.

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 113/2014/NQ-HĐND, ngày 17/7/2014. Khu vực cấp phép khai thác khoáng sản đã xác định trong quy hoạch tỉnh, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, xây dựng và quy hoạch khác liên quan được phê duyệt.

Việc UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác khoáng sản thực hiện đúng trình tự, thẩm quyền, có sự phối hợp thống nhất giữa UBND các cấp, các ngành có liên quan nên đã chủ động trong xem xét, thẩm định hồ sơ, giải quyết đúng trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt.

Một điểm khai thác đá xây dựng trên địa bàn huyện Ea H'leo.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có khu vực nào được cấp phép quyền khai thác khoáng sản thông qua hình thức đấu giá. Nguyên nhân là từ năm 2019, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đấu giá khai thác khoáng sản trên địa bàn, với 16 khu vực đấu giá. Cụ thể, 7 khu vực đá vật liệu xây dựng thông thường; 5 khu vực sét sản xuất gạch, ngói; 2 khu vực cát làm vật liệu xây dựng thông thường; 2 khu vực đất cấp phối để san lấp công trình.

Tuy nhiên do Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá khoáng sản đang còn nhiều điểm bất cập so với Luật Đấu giá tài sản năm 2016 như: trình tự, thủ tục, tiền đặt trước, đối tượng tham gia, các tiêu chí về xét chọn hồ sơ, công khai danh sách tổ chức, cá nhân được tham gia đấu giá… nên khi tiến hành triển khai thực hiện gặp khó khăn. Mặt khác, các tổ chức tham gia sau khi trúng đấu giá phải thỏa thuận với chủ sử dụng đất để khai thác khoáng sản, nhưng việc thỏa thuận không thành nên không thể triển khai dự án.

Đến ngày 23/9/2022, UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn trên địa bàn tỉnh với 48 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn, diện tích gần 305 ha. Cụ thể, có 22 khu vực đất san lấp, 13 khu vực sét gạch ngói, 12 khu vực đá làm vật liệu xây dựng thông thường, 1 khu vực than bùn. Để tổ chức đấu giá 48 khu vực khoáng sản này, UBND tỉnh phê duyệt Đề cương dự toán kinh phí thực hiện đánh giá sơ bộ tiềm năng khoáng sản các vùng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hiện nay, Sở Tài nguyên và Môi trường đang triển khai hồ sơ mời thầu nội dung này.

Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, UBND tỉnh đã giao nhiệm vụ, quyền hạn, quy định trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức liên quan trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý, bảo vệ và khai thác khoáng sản.

Khai thác đất sét phục vụ sản xuất gạch tại xã Ea Uy (huyện Krông Pắc).

Theo đó, về chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản, tỉnh có Quy chế phối hợp trong công tác thu ngân sách nhà nước, Đề án nâng cao hiệu quả quản lý và chống thất thu thuế, phí trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm quy định về việc lắp đặt, sử dụng trạm cân, camera giám sát, thống kê, kiểm kê sản lượng khai thác thực tế, cập nhật thông tin số liệu, lưu trữ đầy đủ thông tin số liệu tại mỏ khoáng sản.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016 - 2023, cơ quan này đã phối hợp và trực tiếp kiểm tra gần 140 lượt đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó tập trung vào khai thác cát, đá và sét, xử phạt vi phạm hành chính hơn 4,3 tỷ đồng.

Công an tỉnh cũng đã phối hợp với lực lượng cơ sở tại các địa phương kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều hoạt động khai thác khoáng sản vi phạm hành chính. Đồng thời, mở nhiều đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động khai thác, vận chuyển trái phép khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó, xử phạt hành chính hàng trăm lượt đơn vị hoạt động khai thác khoáng sản vi phạm hành chính, với số tiền hơn 5,8 tỷ đồng và khởi tố 1 vụ khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Lắk.

Hoạt động khai thác cát trên sông Krông Na.

Bên cạnh đó, UBND các huyện cũng tích cực chủ động kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản tại địa phương quản lý. Nổi bật, năm 2021, UBND huyện M’Drắk đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép (đất, đá, cát, vàng...), xử phạt vi phạm hành chính về khai thác trái phép 5 đối tượng, với số tiền hơn 20 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, huyện Krông Ana đã xử lý 15 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 40 triệu đồng.

Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản tỉnh Đắk Lắk đưa vào quy hoạch 87 mỏ đá xây dựng có thu tiền cấp quyền khai thác, 25 mỏ cát xây dựng, 12 mỏ sét gạch ngói. Quy hoạch này được đánh giá, xem xét tích hợp vào phương án bảo vệ, khai thác, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023.

Minh Khánh


Ý kiến bạn đọc