Multimedia Đọc Báo in

Giá cau “quay đầu”: Có phải kịch bản cũ?

09:05, 25/10/2024

Vừa qua, giá cau liên tục tăng cao, tạo nên "đỉnh" giá mới khi có thời điểm đạt 90.000 đồng/kg. Thế nhưng những ngày gần đây, giá cau lại "lao dốc" không phanh, khiến cho nhiều người liên tưởng đến kịch bản đã từng xảy ra đối với nhiều loại nông sản khác của Việt Nam.

Giá cau tăng đã giúp nhiều nông hộ trồng cau năm nay thu nhập cao, thậm chí có hộ thu về cả tỷ đồng. Từ một loại cây trồng "cho vui", cau bỗng chốc trở thành loại nông sản tiền tỷ, vì thế nhiều người đã đổ xô trồng cau. Thậm chí nhiều hộ đã trồng cau đại trà, trở thành cây trồng thuần chủ lực trên diện tích canh tác của mình. Giá cau tăng đột biến không chỉ khiến nhiều vùng nông thôn rộn ràng không khí mua bán mà còn hình thành rất nhiều điểm thu mua, chế biến cau tập trung và những người thu mua lưu động "săn lùng" cau khắp các đường ngang, ngõ tắt.

Người dân huyện Cư Kuin thu hoạch cau.
Người dân huyện Cư Kuin thu hoạch cau.

Mùa cau năm nay, không khí rộn ràng, phấn khởi ấy kéo dài tương đối dài, từ đầu mùa đến gần hết mùa thu hoạch. Nhưng những ngày gần đây giá cau bắt đầu đi xuống, hiện chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/kg và chưa có dấu hiệu dừng lại. Khảo sát tại một số điểm thu mua dọc Quốc lộ 27, không chỉ giá cau giảm còn chưa đến một nửa so với lúc đạt "đỉnh", mà thương lái còn thu mua rất cầm chừng. Theo các thương lái, nguyên nhân giá cau xuống mạnh so với đầu vụ là do phía Trung Quốc bắt đầu dừng thu mua.

Đến đây nhiều người đã nghĩ đến “công thức” quen thuộc mà thương lái Trung Quốc áp dụng rất nhiều năm nay đối với thị trường nông sản của Việt Nam. Đó là khi họ có nhu cầu và muốn mua rẻ thì đầu tiên là họ đưa giá lên cao chót vót và thu mua với số lượng ít lúc ban đầu, đồng thời loan tin đi khắp nơi. Thương nhân trong nước thấy lợi liền nhập hàng về để bán nên thương lái Trung Quốc không mất công phải đi thu mua mà hàng hóa vẫn cứ tự đến. Khi hàng hóa đã về nhiều thì họ đột ngột giảm giá mua hoặc tạm dừng không thu mua và khi đó người bán hàng bắt buộc phải hạ giá, thậm chí bán lỗ vì hàng nông sản không để lâu được. Chúng ta đã có quá nhiều bài học từ hồ tiêu, dưa hấu, thanh long, cam…

Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân của người viết, giá cau lên – xuống trong thời gian ngắn những ngày gần đây chưa hẳn là “chiêu trò” gì ghê gớm mà phần lớn phản ánh quy luật thị trường. Bởi theo tìm hiểu, tại Trung Quốc, cau là nguyên liệu được sử dụng để làm kẹo. Loại kẹo làm từ cau rất phổ biến tại quốc gia tỷ dân này, nhất là ở những vùng thời tiết lạnh nhờ kẹo làm từ cau có công dụng chống viêm họng và giữ ấm cơ thể. Như vậy có thể nói rằng, cau không phải là loại sản phẩm thiết yếu và chỉ phục vụ cho một số thị trường nhất định. Do đó việc thu mua cau chỉ mang tính thời điểm và khi mà lượng cau nguyên liệu phục vụ chế biến đã được đáp ứng đủ thì việc dừng nhập nguyên liệu là tất yếu.

Hơn nữa, một điều rất đáng chú ý ở thị trường cau năm nay là thương lái trong nước đã tương đối cảnh giác trước giá cau tươi tăng vọt. Do đó thay vì vừa thu mua, vừa sấy cau khô bán cho đối tác như mọi năm, năm nay nhiều cơ sở thu mua, lò sấy chỉ nhận sấy cau thuê cho các thương lái Trung Quốc để thu lãi nên đã hạn chế rất lớn nguy cơ phải đối mặt với rủi ro khi thị trường “đóng băng”.

Trong khi đó đối với người nông dân, nhờ chi phí đầu vào của cây cau không lớn nên khi giá xuống thấp thì thu nhập sẽ không cao như kỳ vọng. Còn xét về thiệt hại thì như nhiều người trồng cau cho rằng, không thiệt hại hoặc thiệt hại là không đáng kể, bởi vốn dĩ giá cau thực tế nhiều năm đã không quá cao. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thị trường cau tươi chỉ mang tính thời điểm và quy mô không thật sự lớn nên người dân cũng cần tỉnh táo trong việc mở rộng diện tích.

Quốc Anh


Ý kiến bạn đọc