Multimedia Đọc Báo in

Giá hạt dổi "lao dốc": Nông dân khó tìm đầu ra

08:57, 25/10/2024

Được trồng ở Tây Nguyên khoảng 10 năm trở lại đây, cây dổi ghép (dổi xanh) có thời điểm mang lại hiệu quả kinh tế cao khi giá hạt khô đạt trên dưới 1 triệu đồng/kg. Tuy nhiên, đầu ra không ổn định đã khiến loại cây trồng nhiều tiềm năng này phát triển thiếu bền vững.

Từ tiền triệu xuống… tiền chục

Từ năm 2015, gia đình bà Hoàng Thị Hà (thôn Cao Thắng, xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) đã trồng thuần 140 cây dổi trên diện tích 9 sào. Sau 3 năm, cây dổi bắt đầu cho thu bói. Thời điểm đó, giá hạt dổi khô có giá 1,4 triệu đồng/kg, gia đình rất kỳ vọng sẽ có thu nhập cao từ loại cây trồng này. Tuy nhiên, những năm tiếp theo, giá dổi liên tục "lao dốc". Hiện tại vườn cây của gia đình bước vào giai đoạn thu hoạch chính, trung bình thu được khoảng 20 kg hạt khô/cây, nhưng giá bán chỉ còn 40.000 đồng/kg.

Bà Hoàng Thị Hà cho hay, với giá bán này thì tiền thuê công hái 250.000 đồng/ngày và công bóc vỏ khoảng 5.000 đồng/kg là không còn lãi. Để giảm chi phí, gia đình chỉ thuê nhân công vào thời điểm thu hoạch rộ và gửi xe bán cho thương lái các tỉnh miền Bắc với giá 80.000 đồng/kg. Trước tình hình giá hạt dổi đang xuống giá theo từng năm, gia đình bà Hà đã cắt bớt tán để trồng xen một số loại cây ăn trái tại vườn.

Người dân thôn Cao Thắng (xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) sấy hạt dổi.

Tương tự, gia đình anh Phạm Trí Thư (thôn 7, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) chuyển đổi từ cây cà phê sang trồng hơn 400 cây dổi vào năm 2018. Sau 3 năm, diện tích dổi cho thu bói được 2,4 tạ hạt khô, bán giá 770.000 đồng/kg, gia đình có nguồn thu nhập khá lớn. Tuy nhiên, những năm gần đây hạt dổi liên tục hạ giá, hiện chỉ còn 50.000 – 60.000 đồng/kg, nhiều thời điểm thương lái thu mua với số lượng rất ít, trong khi việc tiêu thụ hạt dổi chủ yếu chỉ trông chờ vào thương lái, ngoài ra không biết bán cho ai.

Vừa là người trồng, vừa là thương lái thu mua, anh Nguyễn Văn Đàn (thôn Cao Thắng, xã Ea Kao) có 7 sào dổi (trồng từ năm 2020). Để tìm đầu ra, năm 2022 anh trực tiếp đi các tỉnh phía Bắc tìm mối tiêu thụ hàng, đồng thời thu mua sản phẩm cho người dân trên địa bàn tỉnh rồi bán lại. Trung bình mỗi năm anh tiêu thụ khoảng hơn 15 tấn hạt khô. Hiện tại, anh đang thu mua hạt tươi từ 13.000 – 15.000 đồng/kg, tự sơ chế theo đúng màu sắc (đen, bóng) và phân loại cho đầu mối thu mua. Năm nay do ảnh hưởng bão lũ nên lượng hàng đi chậm hơn, hiện vẫn còn khoảng 8 tấn hạt khô tồn đọng trong nhà, trong khi năm trước vào thời điểm này không còn hàng để bán.

Anh Đàn cho biết, các đầu mối thu mua không ổn định và bản thân anh cũng không nắm được nhiều thông tin thị trường của sản phẩm này nên thường bị các nhà thu mua lớn ép giá. Hiện tại diện tích trồng dổi của người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu đang thu bói, cây dổi trồng càng lâu năng suất càng cao, nguy cơ cung vượt quá cầu sẽ cao. Do đó nếu sản phẩm không liên kết, kết nối tiêu thụ ở nước ngoài thì thời gian tới người dân sẽ càng khó khăn về đầu ra.

Cần có định hướng phát triển

Hiện nay ở các địa phương, cây dổi chủ yếu được người dân trồng tự phát, thị trường tiêu thụ của hạt dổi chưa ổn định nên giá cả rất bấp bênh và cũng chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực này.

Ông Hoàng Xuân Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thanh Giổi (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, năm 2004, ông nghiên cứu lai tạo giống cây dổi xanh và trồng thử nghiệm trên diện tích đất của gia đình. Năm 2016, cây dổi xanh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu giống cây trồng và năm 2019 được Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) công nhận giống cây trồng này.

Gia đình ông Phạm Trí Thư (thôn 7, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) thu hoạch dổi.

Hướng đến mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu bền vững, mang lại thu nhập cho người dân, công ty đã liên kết được với 6 hợp tác xã ở 7 huyện, 3 đơn vị quân đội và 17 đơn vị thủy điện để trồng xen cây dổi trong vườn tạp, rừng tạp, khu vực đất xấu không trồng được cây khác, trồng cây che bóng… với diện tích khoảng 40.000 ha. Hiện tại công ty vẫn liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân, nhưng giá thấp hơn thị trường khoảng 30% (mua xô), sử dụng để ép tinh dầu và xây dựng nhà lồng để làm hạt chất lượng cung cấp cho các công ty dược liệu. Trong đó, năm 2023 công ty đã thu mua khoảng 200 tấn (trên địa bàn Đắk Lắk là 80 tấn) bán cho các công ty dược liệu trong và ngoài nước.

Đặc biệt, vào tháng 2/2024, công ty đã nghiên cứu ra sản phẩm tinh dầu dổi dùng để xông phòng, khử mùi, xoa bóp… chưng cất thủ công, sử dụng quả dổi non, cành và lá non. Sản phẩm dầu ép lạnh dổi thì ăn trực tiếp, dùng hạt dổi khô ép lạnh. Sản phẩm đang đề xuất xây dựng sản phẩm OCOP cho địa phương. Hiện công ty đang đầu tư mảng marketing để phát triển hai dòng sản phẩm tinh dầu và dầu ép lạnh, xây dựng các đại lý tiêu thụ trong cả nước, hướng đến việc đưa sản phẩm vào các siêu thị…

Theo Sở NN-PTNT, dổi là loại cây lâm nghiệp đa mục tiêu, có giá trị môi trường và kinh tế; phân bố ở khu vực rừng các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trước đây hạt dổi rừng thường được người dân lượm về chế biến gia vị thực phẩm. Khi hạt dổi có giá bán cao, người dân bắt đầu đưa giống cây ghép vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, một số địa phương như Ea H’leo, Ea Kar, Krông Bông, TP. Buôn Ma Thuột… đang phát triển loại cây trồng này. Tuy nhiên, để loại cây này phát triển ổn định, người dân không nên trồng theo phong trào mà cần chủ động liên kết với các đơn vị thu mua, sản xuất theo quy trình để bảo đảm đầu ra ổn định.

Minh Thuận – Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.