Multimedia Đọc Báo in

Hạ tầng thương mại nông thôn: Thu hút nguồn lực từ xã hội hóa

07:26, 04/10/2024

Việc đầu tư xây dựng chợ nông thôn mới (NTM) để phục vụ phát triển kinh tế và đời sống người dân là rất cần thiết, nhất là ở những địa bàn khó khăn. Tuy nhiên, hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, mà nguyên nhân chủ yếu là do thiếu nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này, đặc biệt là vốn ngoài nhà nước.

“Khoác áo mới” cho chợ nông thôn

Huyện Ea H’leo đã lập quy hoạch phát triển 12 chợ trên địa bàn, gồm chợ trung tâm thị trấn Ea Drăng và 11 chợ xã. Trong 11 chợ của các xã, có 9 chợ đã hoạt động, 2 chợ còn lại ở xã Dliê Yang, xã Cư A Mung đã phê duyệt quy hoạch và đang kêu gọi đầu tư.

Hiện nay, các chợ nông thôn trên địa bàn huyện đều do các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) quản lý, khai thác, góp phần quan trọng trong giao thương và hoàn chỉnh hạ tầng nông thôn.

Đơn cử như chợ xã Ea Hiao do HTX Thương mại - Dịch vụ Thành Công nhận thầu lại từ năm 2014. Sau khi nhận kinh doanh, khai thác, HTX đã đầu tư xây dựng mới lại chợ với quy mô 70 lô kiốt và 1 chợ lồng, tổng mức đầu tư 9,5 tỷ đồng. Đến nay, chợ hoạt động tốt, các hộ kinh doanh, buôn bán thuận lợi và đơn vị cũng đang tiếp tục hoàn thiện những hạng mục còn lại.

Hạ tầng thương mại nông thôn hiện đại tại xã Ea Rốk (huyện Ea Súp).

Tương tự, chợ xã Ea Nam là chợ hạng 3, trước đây được xây dựng bằng nguồn ngân sách nhà nước và vốn của các hộ tiểu thương đóng góp. Năm 2014, chợ này được giao cho HTX Thương mại – Dịch vụ Tân Bình quản lý, khai thác với quy mô 56 lô kiốt và chợ lồng.

Do chợ đã đầu tư xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất xuống cấp nên trong quá trình hoạt động, HTX đã xây dựng, sửa chữa lại một số hạng mục như đường nội bộ, mái che... để phục vụ bà con tiểu thương kinh doanh, buôn bán thuận lợi.

Thời gian qua, huyện Ea Súp cũng đã chú trọng thu hút nguồn vốn xã hội hóa để phát triển hạ tầng thương mại nông thôn. Điển hình là chợ trung tâm cụm xã Ea Rốk do Tập đoàn T.U.G đầu tư có quy mô 7.500 m2, tổng kinh phí 70 tỷ đồng.

Đây là chợ hạng 3 theo kiểu truyền thống kết hợp hiện đại, gồm 45 căn kiốt hai tầng, 36 căn kiốt một tầng và 102 quầy sạp. Chợ được xây dựng hệ thống phòng cháy, chữa cháy hiện đại, hạ tầng kỹ thuật phục vụ cấp nước sinh hoạt, xử lý rác thải, vệ sinh an toàn thực phẩm…

Theo chính quyền địa phương, sau khi đưa vào hoạt động từ tháng 7/2024, chợ Ea Rốk giúp tiểu thương có nơi kinh doanh an toàn, thuận lợi, thúc đẩy giao thương với các xã khu vực biên giới. Đồng thời, tạo điểm nhấn về cảnh quan, kiến trúc, góp phần thực hiện Chương trình xây dựng NTM của địa phương.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, thời gian qua, công tác chuyển đổi chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đến nay, toàn tỉnh có 25 chợ đã chuyển đổi thành công cho các DN, HTX, tổng vốn đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp chợ đạt khoảng 500 tỷ đồng. Các chợ sau khi chuyển đổi có sự quản lý năng động, sắp xếp lại các ngành hàng thành từng nhóm khoa học, thuận tiện hơn cho tiểu thương buôn bán.

Bên cạnh đó, các hạng mục xuống cấp cũng được đầu tư sửa chữa, tạo diện mạo khang trang, sạch đẹp. Hình thức quản lý mới cũng góp phần tăng thu ngân sách so với hình thức quản lý cũ, tạo việc làm cho lao động nông thôn, đóng góp vào sự tăng trưởng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của địa phương.

Cần thêm nguồn lực

Đắk Lắk có 148 chợ, trong đó có 39 chợ thành thị, 109 chợ nông thôn. Số chợ được xây dựng kiên cố chiếm 65,7%. Hệ thống hạ tầng thương mại đã có nhiều đóng góp vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa thông qua việc lưu thông thuận lợi và cung ứng kịp thời các điều kiện đầu vào cho sản xuất.

Bên cạnh đó, hệ thống chợ góp phần nâng cao đời sống dân cư dựa trên việc điều tiết cung cầu giữa các vùng trong tỉnh và giữa tỉnh Đắk Lắk với các tỉnh khác.

Hoạt động mua bán tại chợ xã Ea Nam (huyện Ea H'leo).

Thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đối với tiêu chí số 7, các huyện cùng với Sở Công Thương đã tích cực triển khai công tác lập quy hoạch phát triển hệ thống chợ nông thôn mới đến từng xã, phù hợp với quy hoạch chung về chợ của tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố đã thường xuyên theo dõi, đôn đốc các xã không ngừng hoàn thiện và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn. Đến nay, toàn tỉnh có 147/152 xã đạt chuẩn tiêu chí số 7, đạt tỷ lệ 97,4%.

Thực tế cho thấy, công tác xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ, nhất là tại các xã ở địa bàn vùng sâu, vùng xa vẫn còn khó khăn, do hiệu quả đầu tư lĩnh vực này mang lại còn thấp. Một số HTX xin thanh lý hợp đồng quản lý, khai thác chợ trước thời hạn do không có nguồn thu. Việc kiểm kê, xác định giá trị tài sản chưa được thống kê đầy đủ, nên chưa thể chuyển đổi, bàn giao chợ cho nhà đầu tư.

Các quy định trước đây cũng chưa có hướng dẫn để chuyển đổi mô hình chợ một cách thống nhất, dẫn đến công tác chuyển đổi còn chậm. Ngoài ra, mô hình chợ truyền thống hiện nay đang phải cạnh tranh từ các hình thức bán hàng online, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi… làm giảm sút doanh thu, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi quyết định lựa chọn xây dựng, cải tạo, quản lý chợ.

Để phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, địa phương sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, cơ chế chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng chợ.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chuyển đổi mô hình quản lý chợ, xem xét giải quyết hợp lý các kiến nghị, đề xuất của tiểu thương, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa tiểu thương và nhà đầu tư.

Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các chợ truyền thống bằng việc áp dụng thương mại điện tử, các mô hình chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong kinh doanh.

Các quầy kiốt mới được nâng cấp tại khu B chợ thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M'gar. Ảnh: Đỗ Lan

Bên cạnh việc phát triển, cải tạo, nâng cấp các chợ đạt tiêu chí NTM, ngành công thương cũng khuyến khích phát triển các loại hình bán lẻ hiện đại khác (như cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) để phát triển hạ tầng thương mại nông thôn, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Ngày 5/6/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai, công bố các thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản, kết cấu hạ tầng chợ để hiện đại dịch vụ công của tỉnh. Trong thời gian tới, ngành chức năng cũng sẽ thống kê, kê khai tài sản chợ toàn tỉnh để cập nhật vào cơ sở dữ liệu, tiếp tục theo dõi, đề xuất các cơ chế, chính sách tạo dựng môi trường thông thoáng nhằm kêu gọi các nhà đầu tư tham gia phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.