Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng nông thôn mới: Nên đa dạng tiêu chí số 7 về chợ nông thôn

09:17, 24/06/2015
Từ khi chuyển đổi sang nền cơ chế kinh tế thị trường, bên cạnh chợ truyền thống thì hệ thống siêu thị có quy mô lớn được tập trung xây dựng ở hầu hết các tỉnh, thành phố, tạo điều kiện cho người dân có nhiều kênh chọn lựa mua sắm, góp phần làm cho nếp sống văn minh đô thị ngày càng nâng lên.

Ở khu vực nông thôn, chợ truyền thống ngày càng có xu hướng thu hẹp lại, những khu chợ tạm, chợ cóc  mọc lên tự phát ở các khu dân cư ngày càng nhiều. Xét về góc độ nào đó những chợ tạm, chợ cóc này vẫn được người dân chấp nhận bởi sự thuận tiện trong mua bán và người dân tiết kiệm được thời gian do không phải đi xa. Tuy nhiên, chính những khu chợ “nhếch nhác” này đã phá vỡ quy hoạch và làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường của các địa phương.

Thực hiện tiêu chí số 7 về chợ nông thôn trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì chợ nông thôn phải được xây dựng theo hướng dẫn tại Thông tư 41 (ngày 4-10-2013) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, theo đó, chợ đạt chuẩn phải đáp ứng đủ 2 yêu cầu về công trình kỹ thuật và về điều hành quản lý chợ. Trong khi đó, theo Quyết định 3621 (ngày 28-12-2012) của Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn quốc gia quy định thiết kế mặt bằng tổng thể chợ phải bảo đảm 4 hạng mục: Diện tích xây dựng nhà lồng chợ, diện tích mua bán ngoài trời, diện tích đường giao thông nội bộ và bãi xe, diện tích sân vườn - cây xanh… Còn theo Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) thì Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 9211: 2012 Chợ - Tiêu chuẩn thiết kế theo quyết định  của Bộ Khoa học – Công nghệ không phải là quy chuẩn nên không bắt buộc áp dụng đúng như vậy, song cũng cần khuyến khích áp dụng tùy vào điều kiện cụ thể của từng chợ, từng địa phương nhằm vận dụng thiết kế phù hợp với kiến trúc, công năng và bảo đảm hiệu quả hoạt động sau khi xây dựng hoàn thành…

Thực tế cho thấy trong quy hoạch xây dựng nông thôn mới, phần lớn các địa phương đang phát triển đều hình thành thêm nhiều khu dân cư mới, không gian, địa điểm chợ cũ không còn phù hợp hoặc nhiều nơi không có quỹ đất để xây dựng chợ mới. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp nhiều địa phương được hưởng lợi từ các chương trình dự án trước đây, sau khi xây dựng chợ xong lại bỏ hoang. Nếu căn cứ vào các văn bản hướng dẫn về quy chuẩn chợ nông thôn của các bộ, ngành thì việc xét tiêu chí số 7 của các địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, để phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương, thiết nghĩ Nhà nước cần bổ sung vào tiêu chí số 7 chợ nông thôn thêm các loại hình khác chẳng hạn như: “Tùy theo đặc thù của từng địa phương, bên cạnh chợ truyền thống, khuyến khích các tổ chức, cá nhân hình thành chuỗi siêu thị nhỏ (mini Mart) theo từng ngành hàng tại khu tập trung đông dân cư…” và coi đó là một trong quy chuẩn để xét tiêu chí số 7.

Ngoài ra, nếu hình thành chuỗi siêu thị mini Mart ở nông thôn chẳng những khai thác được nguồn lực trong dân, nâng cao ý thức trách nhiệm với môi trường của người mua cũng như người bán mà còn tiết kiệm được một nguồn kinh phí rất lớn để xây dựng các hạ tầng cơ sở khác phục vụ thiết thực nhu cầu dân sinh.

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc