Multimedia Đọc Báo in

Khơi dòng vốn chính sách từ các điểm giao dịch lưu động

09:04, 24/10/2024

Những năm qua, các điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Ea Kar tại 16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ea Kar đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận với các chương trình tín dụng ưu đãi; tiết giảm thời gian, công sức và chi phí cho người vay.

Bà H Wiên Niê (SN 1979, buôn Mhăng, xã Cư Huê, huyện Ea Kar) cho biết, ngày 11/10 vừa qua, bà đã đến Điểm giao dịch của NHCSXH huyện Ea Kar tại xã Cư Huê để làm thủ tục giải ngân khoản vay 50 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện giao dịch, bà H Wiên đã được cán bộ của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar phổ biến về lãi vay, thời hạn vay, quyền và nghĩa vụ của hộ vay vốn...

Theo đó, gia đình bà được vay vốn theo Chương trình “Cho vay hộ mới thoát nghèo”, thời hạn vay 5 năm, lãi suất chỉ ở mức 8,25%/năm, trả lãi theo tháng, tiền gốc trả theo phân kỳ 6 tháng/lần. Các thủ tục tại điểm giao dịch được thực hiện dễ dàng, nhanh chóng với sự hỗ trợ tận tình của nhân viên.

Người dân giao dịch tại Điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ea Kar tại xã Cư Ni.

Trước đó, ngày 25/9/2024, ông Nịnh Văn Nhậy (SN 1966, thôn 22, xã Cư Bông, huyện Ea Kar) cũng đã đến Điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar tại xã Cư Bông để đóng tiền lãi cho khoản vay 50 triệu đồng, vay theo Chương trình “Cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn”. Ông Nhậy chia sẻ: "Điểm giao dịch lưu động xã Cư Bông ở ngay trung tâm xã, lịch giao dịch được ấn định cụ thể, cơ sở vật chất được trang bị đầy đủ, đã giúp gia đình ông và các hộ dân khác tiết giảm thời gian, chi phí khi thực hiện các giao dịch như: giải ngân vốn, trả lãi, trả nợ gốc, gửi tiết kiệm... Bên cạnh đó, trên các bảng thông báo, thông tin về các chương trình tín dụng ưu đãi đều được trình bày rõ ràng, chi tiết, rất thuận tiện cho người dân trong việc kiểm tra, giám sát".

Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar Phạm Văn Ánh cho biết, trước mỗi phiên giao dịch lưu động tại các xã, thị trấn, các tổ giao dịch ở mỗi xã đều tiến hành họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác và các tổ trưởng tổ vay vốn tiết kiệm để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ tháng trước, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá giao dịch, bảo đảm quyền lợi cho người vay. Nhờ đó, chất lượng hoạt động tín dụng tại các điểm giao dịch lưu động của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar ngày càng được nâng cao.

Tính đến ngày 26/9/2024, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 658,414 tỷ đồng (tăng 49,367 tỷ đồng so với đầu năm). Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar đã giải ngân 156,57 tỷ đồng cho 3.410 lượt hộ vay vốn tại các điểm giao dịch ở xã, thị trấn (chiếm tỷ lệ 99,62% tổng giải ngân của huyện); số tiền thu nợ là 115,45 tỷ đồng.

Cán bộ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar phổ biến chương trình tín dụng ưu đãi mới cho người nghèo, đối tượng chính sách.

Thời gian tới, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Ea Kar sẽ tiếp tục tuân thủ chặt chẽ, nghiêm chỉnh quy trình nghiệp vụ tín dụng, phân tích, xử lý kịp thời các khoản nợ quá hạn. Đồng thời, bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, nhân viên đơn vị, từ đó, nâng cao hơn nữa chất lượng phục vụ người dân.

Bên cạnh đó, chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường kiểm tra, giám sát người vay về việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, qua đó, góp phần cùng chính quyền địa phương tích cực thực hiện tốt công tác giảm nghèo và an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Anh Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.