Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình giảm nghèo hiệu quả ở huyện M’Drắk

09:42, 03/10/2024

M’Drắk có dân số khoảng 81.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 47,4%. Huyện có 8 xã đặc biệt khó khăn và 66 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo khá cao, luôn là thách thức đối với ngành chức năng, chính quyền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Phôi, Phó Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, “rào cản” lớn nhất trong công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương là trình độ, nhận thức, vốn đầu tư và khoa học - kỹ thuật. Xác định rõ những khó khăn, hạn chế trên, huyện đã huy động mọi nguồn lực, triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Nhờ đó cuộc sống của bà con, nhất là đồng bào DTTS có nhiều đổi thay; nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Các lớp đào tạo nghề may dân dụng ở huyện M'Drắk giúp người dân có việc làm, tăng thêm thu nhập. Ảnh: Duy Tiến

Điển hình như gia đình ông Y Não Niê (buôn Gõ Năng, xã Cư M'ta) là hộ cận nghèo. Nhiều năm qua, vợ chồng ông chăm lo làm ăn nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả. Cuối năm 2021, Hội Cựu chiến binh xã đã nhận ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho gia đình ông vay 30 triệu đồng để mua cây keo giống về trồng, đến năm 2023 gia đình ông đã thoát nghèo. Tiếp đó, gia đình ông vay thêm 50 triệu đồng  mua thêm 2 con bò sinh sản về nuôi, kinh tế gia đình theo đó ổn định hơn.

Hay như anh Vũ Trung Thông (SN 1990 ở thôn 9, xã Ea Riêng) là một trong nhiều học viên sau khi tham gia lớp đào tạo nghề chăn nuôi heo do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) phối hợp với Phòng LĐ-TB&XH huyện tổ chức tại xã Ea Riêng vào đầu năm 2021 đã có việc làm, thu nhập ổn định. Anh Thông cho hay, khi tham gia lớp học nghề, anh nắm được kiến thức cơ bản về chăn nuôi như chọn con giống, chăm sóc heo nái, heo con, phòng ngừa bệnh tật cũng như khử trùng chuồng trại sau khi tái đàn. Nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng ưa chuộng thực phẩm sạch nên anh tận dụng đất vườn còn trống, nuôi heo thả vườn; trồng thêm chuối, rau lang, ngô làm thức ăn để giảm chi phí đầu tư, nhưng chất lượng thịt bảo đảm, đầu ra thuận lợi, giá bán lại cao.

Tận dụng diện tích đất còn trống anh Vũ Trung Thông (thôn 9, xã Ea Riêng) rào lưới bao quanh để nuôi heo thả vườn
Tận dụng diện tích đất còn trống anh Vũ Trung Thông (thôn 9, xã Ea Riêng) rào lưới bao quanh để nuôi heo thả vườn.

Từ đầu năm 2022 đến tháng 6/2024, Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 37 phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với hơn 1.800 người lao động tham gia; phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện mở 25 lớp đào tạo nghề chăn nuôi trâu, bò, gà, heo, may dân dụng, xây dựng, sửa chữa máy nông nghiệp cho 827 học viên là lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Sau khi kết thúc các lớp đào tạo nghề, học viên đã áp dụng có hiệu quả kiến thức vào sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2023, huyện M’Drắk còn 8.334 hộ nghèo, cận nghèo, trong đó có 4.811 hộ nghèo, cận nghèo là DTTS. Nhờ làm tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng như phát huy hiệu quả các nguồn vốn vay nên đến cuối năm 2023, toàn huyện đã giảm 1.491 hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 538 hộ (giảm 10,2% so với cuối năm 2022).

Công tác giảm nghèo ở huyện M'Drắk tuy có nhiều chuyển biến nhưng chưa bền vững, tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm nhưng nguy cơ tái nghèo vẫn còn. Để tiếp tục hỗ trợ sinh kế cho bà con giảm nghèo bền vững, tháng 5/2024 huyện M'Drắk đã hỗ trợ bò giống cho 125 hộ dân trên địa bàn xã Krông Á. Gia đình chị Hoàng Thị Đồng, dân tộc Nùng (ở thôn 5) là một trong số các hộ được nhận bò rất phấn khởi vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có đất sản xuất, tiền công đi làm thuê chỉ đủ trang trải cuộc sống hằng ngày. Nay được tặng bò giống, chị hứa sẽ cố gắng chăm sóc tốt để bò sinh sản nhiều bê, gây dựng kinh tế gia đình từ đây.

Để giảm nghèo, ngoài nguồn lực của Nhà nước thì ý thức tự vươn lên của người dân là yếu tố then chốt. Vì vậy thời gian tới, huyện tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí thoát nghèo cho người dân; đồng thời xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giảm nghèo bền vững...

Kim Huế


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.