Multimedia Đọc Báo in

“Tiếp sức” cho phụ nữ Ea Kar phát triển kinh tế

08:22, 17/10/2024

Quan tâm, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống luôn là nhiệm vụ được các cấp hội phụ nữ huyện Ea Kar chú trọng triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức phù hợp, tạo cơ hội giúp hội viên khẳng định mình.

Xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, một số phụ nữ người dân tộc thiểu số trên địa bàn buôn Tlung, thị trấn Ea Kar (huyện Ea Kar) đã tự đan các vật dụng như: giỏ đi chợ nhiều kích cỡ, sọt đựng rác, lồng gà, hũ đựng bút… bằng nguyên liệu là các loại dây đai nhựa dùng để cột gạch men được thải ra từ các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn.

"Tổ đan lát thủ công dây đai nhựa" của phụ nữ buôn Tlung, thị trấn Ea Kar giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp.

Nhận thấy đây là mô hình phù hợp tham gia Cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh năm 2024, chị Thân Thị Oanh, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Ea Kar đã đứng ra vận động các hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số buôn Tlung thành lập Tổ đan lát thủ công dây đai nhựa gồm 10 thành viên do chị H’Âu Niê làm tổ trưởng. Đồng thời, chị Oanh cũng đã chắp bút viết đề án khởi nghiệp “Tổ đan lát thủ công dây đai nhựa” để chị H’Âu đại diện tổ tham dự cuộc thi cấp huyện. Với ưu thế nổi bật là tận dụng nguồn rác thải nhựa làm thành sản phẩm hữu ích, góp phần bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số, đề án đã đoạt giải Ba cấp huyện và giải Nhất cấp tỉnh.

Chị Thân Thị Oanh cho biết, để duy trì hoạt động của tổ, Hội LHPN thị trấn cũng đã giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh và trên mạng xã hội, đồng thời, sưu tầm thêm các mẫu mã, liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh gạch men trong và ngoài tỉnh tìm kiếm nguồn nguyên liệu. Các thành viên trong tổ cũng tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm qua Zalo, Facebook nhằm tìm kiếm các đơn đặt hàng, duy trì việc làm cho chị em.

Hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở xã Xuân Phú (huyện Ea Kar) được hỗ trợ thực hiện mô hình trồng dâu nuôi tằm.

Không chỉ tại Hội LHPN thị trấn Ea Kar, tùy tình hình thực tế, các tổ chức hội trên địa bàn huyện đã có những hình thức trợ giúp hội viên phù hợp, hiệu quả. Tại xã Ea Đar, tận dụng ưu thế về nguồn thức ăn, các cấp hội đã huy động nguồn lực, trao kinh phí hỗ trợ, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn thực hiện mô hình sinh kế là chăn nuôi nuôi bò, dê. Nhiều hội viên đã có cơ hội cải thiện cuộc sống từ mô hình hỗ trợ sinh kế này. Đơn cử như gia đình chị H’Li Đa Mlô, sau khi được Hội LHPN xã hỗ trợ vốn, kỹ thuật, chị đã tìm hiểu, học hỏi thêm qua sách báo và các mô hình để đầu tư làm chuồng trại chăn nuôi dê, phát triển đàn lên 30 con, đem lại nguồn thu 150 triệu đồng mỗi năm.

Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Đar H’Cir Mlô, mỗi mô hình sinh kế được các cấp hội hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng. Mô hình không chỉ trao cho chị em “chiếc cần câu” mà giúp hội viên thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chủ động cải tạo vườn tạp, tận dụng đất trống, nguồn thức ăn, công lao động nhàn rỗi để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vậy, đã có khoảng 60 hộ phụ nữ các buôn trên địa bàn phát triển mô hình chăn nuôi hiệu quả, có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã cũng đã triển khai nhiều hoạt động đồng hành, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh như hướng dẫn xây dựng thương hiệu, giới thiệu tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ do UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh, UBND huyện tổ chức để có cơ hội kết nối đầu ra, tiêu thụ sản phẩm; tổ chức ngày hội khởi nghiệp, các cuộc thi, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh; phối hợp tổ chức tập huấn kiến thức kinh tế tập thể, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, giới thiệu việc làm cho hội viên…

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.