Multimedia Đọc Báo in

Trả lời kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (1)

14:24, 09/10/2024

LTS: Trước và sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tổ chức để ĐBQH trong Đoàn tiếp xúc cử tri, tổng hợp nội dung kiến nghị của cử tri, báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để báo cáo tại kỳ họp Quốc hội theo quy định; đồng thời chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Trên cơ sở nội dung kiến nghị của cử tri do Đoàn ĐBQH tỉnh chuyển đến, các cơ quan Trung ương, UBND các huyện và các sở, ngành liên quan đã xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời. 

I. Các bộ, ban, ngành Trung ương trả lời

1. Cử tri kiến nghị: Theo Quyết định 18/2008/QĐ-BCT, ngày 18/7/2008 của Bộ Công Thương thì EVN sẽ mua điện từ các nhà máy thủy điện công suất dưới 30MW theo biểu giá chi phí do Bộ Công Thương ban hành hằng năm. Tuy nhiên, đến quý II/2024, biểu giá năm 2024 chưa được ban hành. Vì vậy, EVN và các nhà máy thủy điện phải áp dụng đơn giá của năm 2023. Đề nghị Bộ Công Thương sớm tính toán và ban hành biểu giá chi phí của năm 2024 để EVN và các nhà máy thủy điện có thể lập kế hoạch sản xuất và tài chính hằng năm cho phù hợp.

Bộ Công Thương trả lời: Ngày 25/6/2024, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1670/QĐ-BCT về Biểu giá chi phí tránh được năm 2024.

Tại Thông tư số 32/2014/TT-BCT, ngày 9/10/2014 của Bộ Công Thương quy định về trình tự xây dựng, áp dụng Biểu giá chi phí tránh được và ban hành Hợp đồng mua bán điện mẫu cho các nhà máy thủy điện nhỏ cũng đã quy định, trong trường hợp Biểu giá chi phí tránh được chưa được công bố đúng thời hạn, được phép tạm thời áp dụng Biểu giá chi phí tránh được của năm trước cho đến khi Biểu giá chi phí tránh được mới được công bố. Phần chênh lệch do thanh toán theo Biểu giá chi phí tránh được cũ và Biểu giá chi phí tránh được mới sẽ được các bên hoàn lại trong lần thanh toán đầu tiên áp dụng Biểu giá chi phí tránh được mới.

2. Cử tri kiến nghị: Các dự án năng lượng tái tạo đều được nhà nước giao đất 50 năm, tuy nhiên hợp đồng mua bán điện giữa EVN và các chủ đầu tư nhà máy thủy điện lại có thời hạn 20 năm. Hiện nay, một số nhà máy thủy điện có khả năng phải ngừng phát điện và xả nước không phát điện, gây lãng phí nguồn tài nguyên tái tạo giá rẻ của quốc gia. Đề nghị Bộ sớm ban hành cơ chế chính sách cho phép EVN và các chủ đầu tư có thể tiếp tục gia hạn hợp đồng mua bán điện hiện hữu và duy trì chính sách giá bán điện theo Biểu giá chi phí, tránh ban hành hằng năm như hiện nay, nhằm giúp các nhà máy điện năng lượng tái tạo nói chung và thủy điện nói riêng có thể yên tâm ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời kỳ 20 năm đầu tiên của dự án.

Bộ Công Thương trả lời: Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 07/2024/TT-BCT, ngày 12/4/2024 quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, trong đó đã quy định rõ phương pháp xác định giá phát điện đối với các nhà máy thủy điện có hợp đồng mua bán điện còn hiệu lực nhưng giá phát điện hết hiệu lực hoặc các nhà máy thủy điện áp dụng biểu giá chi phí tránh được mà hợp đồng mua bán điện hết hiệu lực.

Đường Võ Nguyên Giáp (TP. Buôn Ma Thuột) hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối tháng 10/2023. Ảnh: Hoàng Tuyết
Đường Võ Nguyên Giáp (TP. Buôn Ma Thuột) hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối tháng 10/2023. Ảnh: Hoàng Tuyết

3. Cử tri đề nghị xem xét hỗ trợ đầu tư xây dựng đường giao thông đoạn kết nối điểm cuối đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột với Đại lộ Đông Tây, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.400 tỷ đồng, nhằm kết nối đồng bộ, khép kín giữa hệ thống giao thông đối ngoại với mạng lưới giao thông đô thị TP. Buôn Ma Thuột; tăng khả năng kết nối thuận lợi, khai thác hiệu quả Cảng Hàng không Buôn Ma Thuột; tạo điều kiện cho địa phương tiếp tục hoàn thiện kết nối hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 đã được Quốc hội phân bổ và Thủ tướng Chính phủ đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương. Do vậy, tại thời điểm hiện nay, không còn nguồn ngân sách trung ương để bổ sung cho tỉnh Đắk Lắk. Trong trường hợp cần thiết, đề nghị tỉnh phân kỳ đầu tư, cân đối ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để xử lý. Đồng thời, hiện nay đang chuẩn bị xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 – 2030, trên cơ sở nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn, khả năng cân đối nguồn vốn được cấp có thẩm quyền thông qua, sắp xếp thứ tự ưu tiên, đề xuất danh mục dự án đầu tư trong giai đoạn 2026 – 2030.

Lan Anh (tổng hợp)

(Còn nữa)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.