Multimedia Đọc Báo in

Cư M’gar hướng đến nền nông nghiệp bền vững

08:31, 06/11/2024

Huyện Cư M’gar đang nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, chất lượng nhằm gia tăng giá trị kinh tế cho các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn. 

Nâng tầm cà phê

Cà phê là cây trồng lâu đời và chủ lực trên địa bàn huyện Cư M’gar với diện tích hơn 37.600 ha, sản lượng đạt khoảng 84.000 tấn/niên vụ. Trong gần 6 năm qua kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, chính quyền cùng người dân ở vùng cà phê trọng điểm này đã ra sức kết nối, huy động mọi nguồn lực nhằm nâng tầm giá trị cho cây cà phê.

Ông Vũ Nhật Toàn, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cư M’gar cho biết: Diện tích cà phê từng bước được điều chỉnh phát triển ổn định theo quy hoạch sử dụng đất khoảng 32.000 ha; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, bảo quản và chế biến sâu cà phê đã được quan tâm, áp dụng rộng rãi.

Hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất nông nghiệp nói chung và cà phê nói riêng từng bước được đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp; từng bước chuyển đổi sản xuất cà phê từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng chất lượng và bền vững.

Trong thời gian qua huyện Cư M’gar cũng đã phối hợp với các đơn vị sản xuất kinh doanh cà phê trong địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện chương trình cà phê có thông tin chứng nhận như UTZ Certified; Cà phê 4C, Cà phê rừng nhiệt đới, công bằng thương mại...

Các đơn vị tham gia xây dựng vùng nguyên liệu theo bộ nguyên tắc trên như Công ty liên doanh Cà phê Dakman, Chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex Buôn Ma Thuột, Simexco Đắk Lắk đã cùng với gần 6.000 nông hộ trên địa bàn huyện xây dựng, phát triển vùng nguyên liệu tập trung và ổn định với diện tích 8.459 ha, chiếm 22,4% trên tổng diện tích cà phê kinh doanh; sản lượng ước đạt khoảng 26.525 tấn/niên vụ.

Theo đó, trên địa bàn huyện Cư M’gar đã hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể tham gia sản xuất cà phê bền vững, có thông tin chứng nhận như: Hợp tác xã (HTX) dịch vụ Nông nghiệp Công bằng Ea Kiết; HTX dịch vụ Nông nghiệp - Thương mại Cư Dliê M’nông; 12 HTX có liên kết với nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao và 48 câu lạc bộ (tổ, nhóm) sản xuất, kinh doanh cà phê bền vững. Việc đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng được chính quyền địa phương quan tâm. Hằng năm, Phòng NN - PTNT phối hợp đào tạo, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức sản xuất và tiếp cận thị trường, kỹ thuật chế biến sau thu hoạch cho các HTX, tổ hợp tác nói trên với hàng nghìn lượt người tham gia.

Ông Nguyễn Thiên, Phó Chủ tịch HĐND huyện Cư M’gar cho hay: Huyện đã triển khai Chương trình sản xuất kết hợp với bảo tồn nguồn tài nguyên và an sinh xã hội giai đoạn 2021 - 2025 (Compact Cư M’gar), do Tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững (IDH) và Tập đoàn Jacobs Douwe Egberts (JDE) đồng tài trợ (có sự tham gia của các doanh nghiệp liên quan đến sản xuất cà phê bền vững như: Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, Công ty TNHH Sucden Coffee Việt Nam; Công ty TNHH Dakman Việt Nam; chi nhánh Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex Buôn Ma Thuột; Công ty TNHH Chế biến Gia vị Nedspice Việt Nam) nhằm thúc đẩy, hỗ trợ nông dân sản xuất bền vững, nâng cao chất lượng sản phẩm và kết nối thị trường; bảo tồn nguồn tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu. Có thể nói, phát triển cà phê bền vững không chỉ gắn chặt với lợi ích kinh tế, xã hội của địa phương mà còn có ý nghĩa quyết định đối với ngành cà phê Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới hiện nay.

Khuyến khích chuyển đổi cây trồng

Theo ông Nguyễn Thiên, định hướng của huyện Cư M’gar là tập trung chuyển đổi trên 5.000 ha diện tích cà phê già cỗi, không đủ nước tưới, độ dốc cao… sang cây trồng khác như sầu riêng, hồ tiêu, mít, nhãn.

Trong những năm qua, từ định hướng ấy đã hình thành vùng trồng sầu riêng tập trung tại các xã Ea Tar, Ea H’đing, Ea Tul, Quảng Tiến, Ea Drơng với diện tích trồng thuần 1.850 ha và trồng xen khoảng gần 2.000 ha.

Theo đó, huyện Cư M’gar đang phối hợp triển khai 41 mã số vùng trồng trên diện tích 904 ha đối với cây sầu riêng để giúp truy xuất nguồn gốc, gắn sản xuất theo đúng quy trình, đáp ứng nhu cầu của nước nhập khẩu nhằm mang lại hiệu quả kinh tế ổn định và bền vững cho người nông dân.

Lãnh đạo UBND huyện Cư M’gar thăm vườn sầu riêng xã Ea Tar (huyện Cư M’gar). Ảnh: Nguyễn Thiên

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện đang xây dựng nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk tại xã Ea Drơng, có công suất 70.000 tấn/năm. Đây là cơ hội để người dân tập trung chuyển đổi  diện tích cà phê không phù hợp sang trồng các loại cây ăn quả khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Đến nay trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng đã có những vùng nguyên liệu cây trái (hồ tiêu, bơ, mít, nhãn) với khoảng gần 8.000 ha để cung cấp cho nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu nói trên khi đưa vào vận hành, hoạt động.

Từ những quyết sách đúng đắn, kịp thời của chính quyền địa phương, sự vào cuộc có trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp liên quan cùng nỗ lực của người dân, cũng như những cơ hội đang mở ra sẽ là “đòn bẩy” thúc đẩy mạnh mẽ hơn mục tiêu hiện thực hóa nền nông nghiệp bền vững, có chất lượng cao ở vùng đất Cư M’gar.

Đình Đối


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.