Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Hướng đến canh tác cà phê bền vững

08:27, 08/11/2024

Huyện Krông Búk có 20.415 ha cà phê, trong đó diện tích cho thu hoạch là 19.637 ha; năng suất bình quân đạt 23,29 tạ/ha, sản lượng đạt 45.724 tấn. Trong số đó, khoảng hơn 20% diện tích cà phê đã trên 20 năm tuổi nên năng suất, sản lượng ngày một giảm.

Để phát triển bền vững cây trồng chủ lực của địa phương, nâng cao thu nhập cho nông dân, huyện Krông Búk đã đẩy mạnh tái canh cà phê, xây dựng các vùng chuyên canh cà phê chất lượng cao. Theo đó, từ năm 2018 đến nay, huyện đã tái canh, cải tạo 1.588 ha cà phê; phối hợp với Công ty Nestle Việt Nam hỗ trợ giá 1.000 đồng/cây giống, với số lượng 5.545 cây giống cà phê (4.600 cây thực sinh, 945 cây ghép) cho nông dân trên địa bàn.

Song song đó, huyện Krông Búk đã và đang triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ nông dân như: tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân vay vốn tái canh cà phê; ưu đãi, khuyến khích liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ, thiết bị phục vụ chế biến và bảo quản… để hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp phát triển tổ chức hợp tác nông dân sản xuất cà phê bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế 4C, FLO…

Cán bộ Hội Nông dân xã Ea Ngai (huyện Krông Búk) hướng dẫn hội viên kỹ thuật ghép cải tạo cà phê.

Đơn cử, HTX Dịch vụ nông nghiệp Chư Kbô đã liên kết với 117 thành viên sản xuất cà phê bền vững với diện tích liên kết gần 300 ha.

Ông Phan Trọng Ký, Giám đốc HTX cho biết, sau khi được tổ chức FLO (Tổ chức ghi nhãn công bằng quốc tế) cấp chứng nhận, HTX đã phối hợp Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Dakman Việt Nam liên kết bao tiêu sản phẩm cà phê FLO. Đến nay, diện tích cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn FLO là 49,7 ha, sản lượng hằng năm đạt 203 tấn. Doanh thu từ hàng hóa cà phê FLO ước đạt hơn 7,5 tỷ đồng. Trong sản xuất cà phê chứng nhận FLO, HTX đã ký hợp đồng bao tiêu với mức giá không thấp hơn 40.000 đồng/kg, do vậy trong suốt thời gian tổ chức sản xuất thành viên HTX không phụ thuộc vào thị trường.

“So sánh giữa giá trị của sản xuất cà phê thường và sản xuất theo chứng nhận đã mang lại cho thành viên HTX thu nhập cao hơn từ 10-15%”, ông Ký thông tin.

 

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Krông Búk phát triển ổn định 19.000 - 20.000 ha cà phê, sản lượng đạt 45.000 tấn. Tăng cường sản xuất cà phê theo các tiêu chuẩn chứng nhận (FLO, 4C...) với diện tích khoảng 4.000 ha, sản lượng dự kiến trên 12.000 tấn.

Huyện Krông Búk còn phối hợp với Công ty TNHH Thương mại Nghĩa Loan (thị trấn Pơng Drang) thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững áp dụng theo bộ quy tắc 4C, tiêu chuẩn Rainforest Alliance và giảm phát thải CO2, dự kiến khoảng 10.000 tấn/năm. Đồng thời phối hợp với Công ty TNHH NKG Việt Nam - Chi nhánh Đắk Lắk triển khai Đề án phát triển cà phê bền vững tại 3 xã Cư Né, Cư Pơng, Ea Sin, qua đó tổ chức được 17 lớp giới thiệu về chương trình sản xuất cà phê bền vững, thu hút 540 lượt người tham gia; triển khai kế hoạch hỗ trợ 6.162 cây giống cà phê cho các hộ dân tham gia dự án (dự án hỗ trợ 100% kinh phí cây giống).

Ngành nông nghiệp huyện đã triển khai 27 mô hình tái canh, ghép cải tạo, trồng xen cây ăn quả, công nghệ tưới tiết kiệm nước, sản xuất, chế biến cà phê ướt… với tổng kinh phí hơn 2,3 tỷ đồng từ nguồn nguồn vốn của các chương trình, dự án và ngân sách địa phương; tổ chức 86 lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và phòng trừ sâu bệnh hại, sản xuất cà phê bền vững cho hơn 2.405 lượt nông dân.

Mô hình sản xuất cà phê bền vững thuộc Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam tỉnh Đắk Lắk (VnSat) ở xã Chứ Kbô (huyện Krông Búk).

Theo ông Phan Hoàng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk, trong chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương, cà phê vẫn là cây trồng và sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế huyện.

Vì vậy, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền về vùng quy hoạch và các chính sách về sản xuất cà phê bền vững; xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất thích hợp như hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất… nhằm khắc phục tình trạng sản xuất phân tán, nhỏ lẻ hiện nay. Xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp, hình thành liên kết sản xuất và tiêu thụ đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đặc biệt hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao; áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt (GAP, VietGAP, GlobalGap, UTZ, 4C, FLO…); tăng cường hệ thống quản lý chất lượng cà phê tiên tiến nhằm kiểm soát chất lượng hàng hóa…

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.