Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Phát triển sầu riêng theo hướng bền vững

08:06, 01/11/2024

Với mục đích phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, huyện Krông Búk đã xây dựng Kế hoạch số 121/KH-UBND ngày 13/6/2024 về việc phát triển vùng sản xuất chuyên canh cà phê, sầu riêng trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm sầu riêng; gắn sản xuất với các khâu sơ chế, chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Liên kết, xây dựng mã vùng trồng

Huyện Krông Búk có 4.545 ha sầu riêng với khoảng 2.700 ha cho thu hoạch; năm 2024 sản lượng ước đạt 40.000 tấn. Toàn huyện có 17 vùng trồng sầu riêng (283 ha) và 3 cơ sở đóng gói được Hải quan Trung Quốc cấp mã số; còn 60 vùng trồng với 1.323 ha đang chờ phê duyệt. Như vậy, Krông Búk là địa phương đứng thứ 2 trên địa bàn tỉnh về mã vùng trồng sầu riêng, chỉ sau huyện Krông Pắc.

Nhằm nâng cao giá trị và không ngừng mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến xuất khẩu chính ngạch, huyện Krông Búk đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ các hộ trồng sầu riêng, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói sầu riêng.

Người dân xã Tân Lập (huyện Krông Búk) thu hoạch sầu riêng.

Tiêu biểu như hộ gia đình ông Nguyễn Xuân Nhị (thôn 2, xã Ea Ngai) có 800 cây sầu riêng Dona và 250 cây sầu riêng Musangking cho sản lượng khoảng 70 tấn/năm. Ông Nhị hiện đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký mã vùng trồng sầu riêng của gia đình. Ông cho hay: "Việc cấp mã số vùng trồng rất quan trọng, giúp gia đình tôi yên tâm sản xuất vì sản phẩm làm ra được DN cam kết thu mua. Hy vọng giá cả sầu riêng ổn định và thị trường tiêu thụ sẽ ngày càng mở rộng”.

Đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Sky Ocean Food ở Cụm công nghiệp Krông Búk 1 (thị trấn Pơng Drang) đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt 1 mã cơ sở đóng gói cho phép xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang thị trường này. Ngoài ra, công ty còn hợp tác, liên kết với các HTX, tổ hợp tác và hộ trồng sầu riêng tại xã Ea Ngai, Cư Né, Chứ Kbô xây dựng 7 mã vùng trồng, diện tích khoảng 136 ha. Để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sầu riêng bền vững, cùng có lợi, công ty cam kết đồng hành, hỗ trợ nông dân trong quá trình sản xuất sầu riêng, thực hiện thủ tục cấp mã số vùng trồng và tiêu thụ sản phẩm. Năm 2024, giá thu mua sầu riêng của công ty dao động từ 75.000 – 85.000 đồng/kg.

Qua kiểm tra giám sát, cơ bản các vùng trồng, cơ sở đóng gói trên địa bàn huyện đều chấp hành tốt yêu cầu về quy trình sản xuất, thực hiện ghi chép nhật ký canh tác, quản lý dịch bệnh theo đúng yêu cầu.

Hướng đến phát triển bền vững

 

UBND huyện đã hoàn thiện hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm sầu riêng của huyện, đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định, cấp giấy chứng nhận để thực hiện xúc tiến, quảng bá thương hiệu sầu riêng Krông Búk.

Để các mã số vùng trồng phát huy hiệu quả lâu dài, UBND huyện đã thành lập Tổ hướng dẫn, quản lý giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu trên địa bàn huyện.

Các thành viên trong tổ có trách nhiệm kiểm soát chất lượng, quản lý sinh vật gây hại tại những mã số vùng trồng hoặc cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu; nâng cao nhận thức của người dân, DN, HTX về tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn trong nước và quốc tế về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm; vận động hộ gia đình liên kết chặt chẽ với DN thông qua HTX để xây dựng vùng trồng tập trung, thiết lập mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu.

Bên cạnh đó, UBND huyện cũng thường xuyên tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với người trồng sầu riêng, các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu sầu riêng trên địa bàn huyện để thẳng thắn trao đổi những khó khăn, vướng mắc cũng như hướng phát triển ngành sầu riêng bền vững.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Tân Lập Đông (xã Tân Lập) thông tin, từ khi được cấp mã vùng trồng, HTX đã liên kết với các DN xuất khẩu để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Các thành viên trong HTX khi có mã số vùng trồng đều nâng cao ý thức, có biện pháp bảo vệ mã số của mình, tránh sử dụng mã số tràn lan, vượt quá sản lượng, công suất thực tế dẫn đến bị thu hồi, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của sầu riêng Việt Nam nói chung, huyện Krông Búk nói riêng.

Doanh nghiệp thu mua sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn huyện Krông Búk.

Tương tự, với diện tích 74 ha cùng 44 thành viên tham gia, mùa sầu riêng năm 2024, HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiên Phú (xã Cư Pơng) ước thu khoảng 700 tấn. Bình quân mỗi héc-ta bà con thu nhập khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác tại địa phương. Ông Nguyễn Đức Diễn, Giám đốc HTX cho hay, các thành viên trong HTX đều tuân thủ nghiêm quy trình chăm sóc, áp dụng biện pháp quản lý dịch bệnh, bảo đảm thời gian cách ly thuốc khi thu hoạch. Phát triển sầu riêng bền vững, bảo đảm chất lượng được các đơn vị bao tiêu với giá ổn định là mục tiêu dài hạn của bà con nông dân kể cả đối với sầu riêng xuất khẩu hay tiêu thụ trong nước.

Giá cả cao, đầu ra ổn định nên sầu riêng trở thành một trong những loại cây trồng chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân địa phương. Tuy nhiên, huyện Krông Búk khuyến cáo bà con nông dân không mở rộng diện tích, tập trung ổn định và thâm canh diện tích hiện có theo hướng chất lượng, bền vững; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật bảo đảm nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng - nồng độ và đúng cách); chỉ thu hoạch sầu riêng khi bảo đảm độ chín, kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng. "Để nâng cao chất lượng, phát triển sầu riêng bền vững, huyện sẽ tiếp tục tìm kiếm, kêu gọi các DN có kinh nghiệm trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sầu riêng về đóng chân, đầu tư trên địa bàn huyện để thu mua, chế biến và xuất khẩu sầu riêng sang thị trường các nước", ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện khẳng định.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc