Kiến tạo nền nông nghiệp toàn cầu
Để tạo ra bước chuyển biến mới, có tính đột phá trong việc khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của vùng Tây Nguyên thì không thể thiếu vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp (DN), nhất là trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hình thành một số sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn có thương hiệu quốc gia và quốc tế.
"Cởi trói" cơ chế, thu hút doanh nghiệp
Tây Nguyên đang đối mặt với tình trạng diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp cùng hàng loạt tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… Thực tế này đòi hỏi các tỉnh Tây Nguyên phải năng động trong việc thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp theo hướng tích hợp đa giá trị để tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác thay cho tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, tài nguyên thiên nhiên.
Ông Dương Mah Tiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp. Những tiềm năng này đang từng bước được tỉnh Gia Lai phát huy hiệu quả, mở ra “cánh cửa” để chào đón các nhà đầu tư vào ba lĩnh vực thế mạnh là: nông nghiệp tiên tiến, sạch và ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ và du lịch sinh thái; công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường gắn với nông nghiệp. Đây cũng chính là ba lĩnh vực trụ cột được đề ra trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 hướng tới xây dựng và phát triển tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên. Để thực hiện nhiệm vụ quan trọng đó, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hành động cụ thể, quyết liệt cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư.
Sầu riêng Đắk Lắk đang thu hút nhiều nguồn lực để đầu tư phát triển. |
Còn ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk cho hay, với dư địa rất lớn của một địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế của ngành nông lâm nghiệp, Đắk Lắk luôn đánh giá cao vai trò của nhà đầu tư đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo quan điểm của tỉnh, DN là động lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của địa phương, chính quyền luôn đồng hành và tạo mọi điều kiện cho DN phát triển. Đặc biệt, tỉnh đã quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư kinh doanh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư.
Nhà đầu tư khi đến Tây Nguyên sẽ không chỉ góp phần phát triển kinh tế địa phương, mà đó còn là câu chuyện mang tư duy của doanh nghiệp đến cho địa phương về kinh tế, thị trường. Nhà đầu tư nên là nhà cố vấn cho địa phương, gợi mở ra một không gian giá trị mới cho Tây Nguyên..." - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. |
Theo ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, các tỉnh Tây Nguyên đang trở thành nơi hấp dẫn cho đầu tư nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là ngành chăn nuôi. Hiện liên doanh giữa Tập đoàn Hùng Nhơn và De Heus (Hà Lan) đã triển khai nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao tại Tây Nguyên. Chuỗi dự án này không chỉ nhằm mục tiêu tạo ra sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao mà còn đặt nền móng cho một mô hình nông nghiệp kết hợp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp toàn diện cho Tây Nguyên. DN đánh giá cao sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương trong quá trình triển khai những dự án này, tuy nhiên vẫn cần sự vào cuộc của các bộ, ngành để tháo gỡ vướng mắc về đất đai.
Hướng tới chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu
Hiện nay, một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam được xếp nhất, nhì khu vực cũng như thế giới thì Tây Nguyên đã góp mặt nhiều sản phẩm như cà phê, hồ tiêu, cao su, sầu riêng, chanh dây… Qua đó góp phần định vị được sản phẩm trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản hiện nay sẽ phải tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn cao của thị trường nhập khẩu như quy định của Liên minh châu Âu (EU) về chống phá rừng (EUDR), áp dụng cho 6 ngành hàng: cà phê, đậu nành, gỗ, ca cao, cao su và sắp tới có thể áp dụng cho hồ tiêu. Đặc biệt, Tây Nguyên chiếm đến 94% sản lượng cà phê của cả nước, trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam thì việc tuân thủ EUDR gần như là bắt buộc. Để làm được điều này, các DN phải tiên phong trong việc sản xuất theo các chứng nhận quốc tế; xây dựng hệ sinh thái trên vườn cà phê nhằm tạo cảnh quan, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Những sản phẩm thế mạnh của các tỉnh Tây Nguyên đã thu hút được nhiều người quan tâm tại Hội nghị xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp vùng Tây Nguyên. |
Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, để Tây Nguyên có thể trở thành trung tâm sản xuất và chế biến sâu một số nông sản chủ lực, cần triển khai đồng bộ nhóm giải pháp trọng tâm về thị trường tiêu thụ, trong đó cần mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế nhằm tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nông sản. Để làm được điều này, các tỉnh Tây Nguyên cần đề xuất, tổ chức triển khai cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi thu hút DN đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm nông sản; phối hợp chặt chẽ với các DN định hướng quy mô vùng trồng, vùng nuôi; thúc đẩy liên kết sản xuất, hình thành các chuỗi nông sản chủ lực từ nuôi trồng đến tiêu thụ… Trong khi đó, DN không chỉ là nhà đầu tư mà còn là nhà tư vấn cho địa phương để mở ra không gian giá trị mới nông nghiệp vùng Tây Nguyên; cùng địa phương giải quyết bài toán sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Lê Minh
Ý kiến bạn đọc