Multimedia Đọc Báo in

Tạo sinh kế bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:12, 07/11/2024

Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, trong những năm qua, nhiều chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã và đang được huyện Lắk triển khai có hiệu quả, qua đó tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân địa phương.

Huyện Lắk nằm ở phía Đông Nam của tỉnh, tổng dân số trên 78.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm khoảng 63%. Vì vậy, các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương xác định công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng trong mục tiêu phát triển chung trên địa bàn. Bằng cách lồng ghép các chương trình, mục tiêu, nhiều chương trình, hoạt động được triển khai, mang lại hiệu quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế và môi trường của địa phương, tháng 7/2024, UBND xã Bông Krang đã trao 1.100 cây giống ăn quả cho người dân trên địa bàn, qua đó giúp các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế. Được hỗ trợ hơn 100 cây nhãn, chôm chôm, anh Y Dan Liêng Hót (buôn Hang Ja, xã Bông Krang) vui mừng chia sẻ, gia đình anh có 5 sào đất rẫy, cây cà phê mới trồng được hơn 2 năm nên việc trồng xen cây ăn quả, nhất là cây nhãn và chôm chôm rất phù hợp với đất đai ở khu vực này. Sau khi nhận cây giống từ xã về, gia đình anh đã đào hố, bỏ phân, tiến hành trồng và chăm sóc. Đến nay, các cây đều sinh trưởng và phát triển tốt. Cùng với việc trao cây giống, địa phương cũng cử cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con trồng, chăm sóc cây đúng cách để phát huy hiệu quả.

Sau khi được hỗ trợ cây giống, anh Y Dan Liêng Hót (xã Bông Krang) đã trồng xen trên diện tích đất rẫy của gia đình.

Bí thư Đảng ủy xã Bông Krang Bùi Văn Thanh cho biết, việc hỗ trợ giống cây ăn quả cho người dân là hoạt động thiết thực để bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập trên cùng diện tích đất. Đồng thời, tiếp tục phát huy hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về lãnh đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giai đoạn 2021 – 2025 tại địa phương.

Tại xã vùng sâu Ea R’bin, trong nhiều năm qua, các chương trình mục tiêu quốc gia đã hỗ trợ hàng trăm hộ dân giống cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Chỉ tính trong 2 năm (2023 và 2024) trên địa bàn xã đã có 81 hộ dân được trao bò giống sinh sản, với tổng kinh phí thực hiện hơn 1,26 tỷ đồng. Các trường hợp được thụ hưởng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tại địa phương, mỗi hộ được hỗ trợ một con bò cái sinh sản (bò lai Sind) có trọng lượng từ 120 kg trở lên. Đây là hoạt động thuộc Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, miền núi năm 2023 và năm 2024 trên địa bàn xã. Các hộ tham gia dự án được bảo hành vật nuôi trong thời gian 12 tháng, nếu vật nuôi không sinh sản hoặc có bất cứ vấn đề gì về chất lượng con giống sẽ được đổi bù.

Một trong những hộ dân được thụ hưởng từ chương trình, anh Lữ Văn Thêm (buôn Ea Ring, xã Ea R’bin) chia sẻ, cuối tháng 12/2023 gia đình anh được trao bò giống, do bò đã mang thai trước đó và được gia đình chăm sóc tốt nên sau hơn 6 tháng, bò đã sinh một con bê khỏe mạnh. Gia đình có ít đất sản xuất, hằng ngày chủ yếu ai thuê gì làm nấy nên khi được tặng bò giống và nay có thêm bê con, giúp vợ chồng anh có thêm cơ hội phát triển kinh tế gia đình.

Người dân xã Đắk Liêng chăm sóc bò sinh sản.

Còn tại xã Yang Tao, từ nguồn vốn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, 10 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã đã được trao mỗi hộ 130 con ngan giống. Theo đánh giá của địa phương, qua kiểm tra tình hình chăn nuôi tại các hộ cho thấy, việc hỗ trợ chăn nuôi ngan phù hợp với điều kiện tự nhiên trên địa bàn. Nuôi ngan không cần phải đầu tư nhiều về chuồng trại, người dân có thể tận dụng khoảng trống ở vườn và tận dụng quỹ thời gian, lao động nhàn rỗi của gia đình để chăm sóc. Qua đó, giúp các hộ dân có điều kiện phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, cải thiện dinh dưỡng, tăng thu nhập, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.

Song song với việc hỗ trợ “cần câu” cho các hộ dân, các ban, ngành và chính quyền địa phương các cấp trên địa bàn huyện Lắk đã lồng ghép, tích cực tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả bằng các loại cây, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao. Đây không chỉ là hướng đi bền vững nhằm phát triển kinh tế địa phương mà còn giúp người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm, không trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần, thu nhập của người dân được nâng lên, từ đó tham gia tích cực ủng hộ xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc