Huyện Krông Ana: Phát triển lúa theo hướng hữu cơ
Là vùng sản xuất lúa trọng điểm của tỉnh, huyện Krông Ana đang từng bước nhân rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ. Hướng đi này không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng, thúc đẩy kinh tế hàng hóa mà còn phù hợp với xu thế thị trường, bảo đảm cho nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Huyện Krông Ana có hơn 12.300 ha lúa nước, tương đối tập trung nên thuận lợi cho việc hình thành các vùng nguyên liệu lớn, sản xuất tập trung. Các giống lúa Đài Thơm, ST24, ST25… cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu được sâu bệnh đã mang lại kinh tế khá cho bà con nông dân và bảo đảm chất lượng cho thương hiệu “gạo Krông Ana”.
Nông dân huyện Krông Ana chú trọng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, an toàn cho sức khỏe người dùng. |
Gần đây, huyện Krông Ana chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, sản xuất lúa ST25 theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị để tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, nâng cao giá trị và bảo vệ sức khỏe người dùng. Huyện đã hình thành được các mô hình liên kết sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, sản xuất theo quy trình, bố trí lịch thời vụ hợp lý để hạn chế được thiên tai, sâu bệnh.
Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) là đơn vị tiên phong trong canh tác theo hướng hữu cơ đối với cây lúa. Từ năm 2021, HXT đã liên kết và đầu tư giống, thuốc sinh học, phân hữu cơ, vi sinh, hướng dẫn quy trình sản xuất, bao tiêu đầu ra cho nông dân. Năm 2024, với 3,5 ha canh tác theo hướng hữu cơ, HTX đã cung ứng ra thị trường hơn 50 tấn lúa. Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc HTX cho biết, canh tác theo hướng hữu cơ cho sản phẩm có giá bán cao hơn thị trường 20%, giúp tạo uy tín, nâng cao vị thế cho sản phẩm gạo của HTX Nhật Minh nói riêng và gạo Krông Ana nói chung. Quan trọng hơn, canh tác hữu cơ giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người sản xuất và tiêu dùng.
Gạo canh tác theo hướng hữu cơ do Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) sản xuất đang tạo uy tín trên thị trường. |
Ở thị trấn Buôn Trấp, nông dân Lê Quang Thuận có hơn 6 ha lúa, trong đó có hơn 1 ha canh tác theo hướng hữu cơ. Anh cho hay, gần đây giá lúa gạo tăng cao nên người làm lúa có kinh tế khá. Hiểu được mối nguy hiểm khi tiếp xúc thường xuyên với thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học… nên anh Thuận đang từng bước chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ, hạn chế việc phun, xịt thuốc bảo vệ thực vật; tận dụng phế phẩm nông nghiệp để bón cho cây trồng...
Lúa gạo tại huyện Krông Ana những năm gần đây được giá, đặc biệt việc đưa vào gieo trồng những giống mới, cho năng suất tốt đã kích thích nông dân đầu tư, chăm sóc theo hướng hữu cơ, làm ra sản lượng lớn, an toàn. Ông Phan Văn Đồng, Phó Trưởng Trạm phụ trách Trạm Khuyến nông huyện Krông Ana cho biết, huyện đã xây dựng các mô hình, mở lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, tham quan thực tế tại đồng ruộng để hướng dẫn nông dân canh tác lúa theo hướng hữu cơ. Trong năm 2024, Trạm mở 30 lớp tập huấn hướng dẫn người dân canh tác nông nghiệp theo hướng bền vững, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu, thu hút 857 lượt người tham gia. Thông qua đó góp phần tích cực thay đổi tư duy, thói quen sản xuất của người dân.
Tuy nhiên, để phát huy tiềm năng của địa phương, nông dân cần được tiếp cận nhiều, nhanh hơn và bài bản hơn nữa tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, sản xuất có chứng nhận theo các tiêu chuẩn chất lượng. Vấn đề đặt ra với huyện là tìm cách liên kết, huy động các nguồn lực đầu tư và sự tham gia của doanh nghiệp vào hoạt động chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị để đồng hành, đầu tư, hỗ trợ người sản xuất.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc