Huyện Krông Búk: Khai thác lợi thế, đẩy mạnh thu hút đầu tư
Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, đất đai, nguồn lao động dồi dào, huyện Krông Búk đang huy động các nguồn lực, tăng cường thu hút đầu tư vào địa bàn, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều tiềm năng
Huyện Krông Búk có tổng diện tích 35.782 ha, khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp để làm nguyên liệu chế biến nông sản.
Trên địa bàn huyện có các trục đường giao thông quan trọng đi qua như: Quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 29 (kết nối Cảng Vũng Rô với Cửa khẩu Đắk Ruê), Tỉnh lộ 688 (kết nối huyện Cư M’gar) và nhiều tuyến đường liên huyện khác kết nối với các địa phương xung quanh, tạo ra mối liên kết vùng bền vững.
Người lao động làm việc tại Cụm công nghiệp Krông Búk 1. |
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có 1 cảng cạn, 1 trung tâm logistics được quy hoạch cho tỉnh Đắk Lắk (đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1747/QĐ-TTg, ngày 30/12/2023) và đang được 1 đơn vị khảo sát, đề xuất triển khai đầu tư. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ giúp việc thông quan hàng hóa, kết nối giao thương thuận lợi, góp phần quan trọng cho việc phát triển ngành công nghiệp của huyện.
Tại khu vực trung tâm huyện và thị trấn Pơng Drang, UBND huyện kêu gọi được 2 nhà đầu tư thực hiện Dự án nhà ở đô thị, khu thương mại dịch vụ tại trung tâm hành chính huyện (xã Chứ Kbô, xã Cư Né), với diện tích đầu tư 48 ha và Dự án nhà ở đô thị khu dân cư, dịch vụ Cụm công nghiệp Krông Búk 1 (thị trấn Pơng Drang) diện tích 30 ha. Đây là 2 dự án có ý nghĩa chiến lược quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị của huyện. Khi 2 dự án này hình thành sẽ tạo bộ mặt kiến trúc cảnh quan, giúp kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kết cấu hạ tầng xã hội của huyện được hoàn thiện, khang trang và thu hút các dịch vụ thương mại cùng phát triển.
Đặc biệt, huyện có Cụm công nghiệp Krông Búk 1, diện tích hơn 69 ha đã đưa vào sử dụng từ năm 2005, tỷ lệ lấp đầy đạt 98%, với tổng mức đầu tư là 750 tỷ đồng. Qua đó, đóng góp cho ngân sách địa phương trung bình 2 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, huyện còn được UBND tỉnh phê duyệt, phát triển thêm Cụm công nghiệp Krông Búk 2, diện tích 75 ha (tiếp giáp với Cụm công nghiệp Krông Búk 1). Hiện Cụm công nghiệp Krông Búk 2 đang trong giai đoạn kêu gọi đầu tư nên khi được hình thành sẽ thúc đẩy kinh tế, ngành công nghiệp của huyện thêm phát triển.
Về năng lượng tái tạo, huyện có 4 dự án điện gió đang triển khai, công suất 200MW, tổng vốn đầu tư hơn 7.878 tỷ đồng. Giai đoạn 2024 - 2026 sẽ có 6 dự án được đưa vào triển khai, công suất 466MW. Đây là một trong những điều kiện để bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia. Đồng thời, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng hành cùng nhà đầu tư
Để thu hút đầu tư hiệu quả, UBND huyện đề ra nhiều giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương như: chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp (DN) hoạt động; hỗ trợ, đẩy nhanh công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất trên địa bàn huyện; cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến các dự án để nhà đầu tư nghiên cứu, tham khảo.
Dự án điện gió tại xã Cư Né, huyện Krông Búk. |
Cảng cạn, trung tâm logistics và cụm công nghiệp trên địa bàn huyện được khảo sát kỹ, thuận lợi về kết nối giao thông, bảo đảm nguồn nhân lực, tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp". Ông Hoàng Kiên Cường, Chủ tịch UBND huyện Krông Búk
|
Theo Chủ tịch UBND huyện Krông Búk Hoàng Kiên Cường, huyện cam kết đồng hành cùng với DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác triển khai đầu tư xây dựng các dự án. Từ đó, thúc đẩy tiến độ đầu tư và sớm đưa các dự án đi vào hoạt động; thường xuyên rà soát, theo dõi để điều chỉnh, tích hợp các quy hoạch trên địa bàn cho đồng bộ, tránh chồng chéo, bất cập khi triển khai. Đồng thời, giữ vai trò liên kết giữa các nhà đầu tư với nhân dân trong các ngành nghề về nông sản, giúp nhà đầu tư bảo đảm một phần nguồn nguyên liệu, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất cho DN và nhân dân trên địa bàn.
Ngoài tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, UBND huyện kiến nghị UBND tỉnh đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhất là rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư và quản lý dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; kiến nghị Trung ương tiếp tục duy trì giảm thuế VAT (duy trì ở mức 8%) nhằm kích cầu, hỗ trợ DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay.
Thời gian tới, huyện sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN, tạo ra cơ hội hợp tác ổn định, lâu dài. Ưu tiên thu hút đầu tư vào ngành sản xuất, chế biến sâu nông sản, một trong những thế mạnh của huyện. Đồng thời, đẩy mạnh đầu tư hệ thống logistics, góp phần cắt giảm chi phí, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, công nghiệp trên địa bàn huyện.
Như Quỳnh
Ý kiến bạn đọc