Nhiều mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả
Từ tình hình thực tế của địa phương, Hội LHPN xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) đã triển khai xây dựng nhiều mô hình thiết thực giúp hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, từng bước nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.
Nổi bật là mô hình "Tổ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh" được Hội LHPN xã Hòa Sơn thành lập từ tháng 6/2017, với mục tiêu hỗ trợ các hộ chăn nuôi bò chuyển từ phương thức chăn thả hoặc bán chăn thả sang nuôi nhốt hoàn toàn để nâng cao hiệu quả kinh tế.
Tham gia vào mô hình, các thành viên được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò vỗ béo, quy trình chăm sóc, phòng bệnh cho vật nuôi. Định kỳ 6 tháng/lần, các thành viên trong tổ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm về nguồn giống, cách trồng cỏ, liên hệ với các cơ sở giết mổ để tham khảo giá, tránh tình trạng bị thương lái ép giá, giúp cho việc chăn nuôi được thuận lợi hơn.
Ngoài ra, những trường hợp khó khăn còn được tạo điều kiện vay vốn để mua con giống và xây dựng chuồng trại.
Cán bộ Hội LHPN xã Hòa Sơn thăm mô hình “Cải tạo đất xung quanh nhà trồng rau và cây ăn quả” của hội viên tại buôn Ja (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông). |
Theo bà Nguyễn Thị Huệ, Tổ trưởng Tổ liên kết chăn nuôi bò nhốt thâm canh, qua 7 năm triển khai, mô hình đã góp phần thay đổi tư duy chăn nuôi, giúp chị em phụ nữ phát triển nghề nuôi bò vỗ béo theo hướng bền vững và có nguồn thu nhập khá. Mô hình hiện có 24 thành viên là hội viên, phụ nữ ở thôn 8. Với quy mô chăn nuôi từ 5 – 10 con, thu nhập trung bình của mỗi hộ thành viên đạt từ 100 - 200 triệu đồng/năm.
Gia đình chị Phạm Thị Thao (thành viên tổ liên kết) đã có thâm niên nuôi bò hơn 20 năm nay, với quy mô đàn hơn 10 con. Trước đây, gia đình chị nuôi bò vỗ béo theo kiểu bán chăn thả, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, cỏ có sẵn trong tự nhiên để làm thức ăn nên hiệu quả không cao. Từ năm 2017, sau khi được Hội LHPN xã vận động, chị đã cải tạo lại chuồng trại và chuyển 7 sào đất của gia đình sang trồng cỏ để nuôi bò nhốt thâm canh. Trong thời gian nuôi vỗ béo, bên cạnh thức ăn thô xanh, chị còn bổ sung thêm thức ăn tinh (cám gạo, bột ngô, bột sắn…), khoáng đa vi lượng và vitamin, giúp đàn bò khỏe mạnh, phát triển tốt và tăng trọng lượng. Chị Thao cho hay: “Cách nuôi nhốt thâm canh giúp người nuôi tiết kiệm công lao động và rút ngắn thời gian vỗ béo từ 1 năm xuống còn 6 - 7 tháng, qua đó giúp việc chăn nuôi đạt hiệu quả hơn. Sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi con bò xuất bán tôi thu lãi 12 triệu đồng”.
Xuất phát từ tình trạng nhiều hội viên, phụ nữ ở buôn Ja do ít đất sản xuất nên thường phải đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống, tháng 3/2020, Hội LHPN xã Hòa Sơn đã triển khai mô hình “Cải tạo đất xung quanh nhà trồng rau và cây ăn quả” nhằm tạo việc làm và tăng thu nhập cho chị em. Hội vận động 5 hộ hội viên, phụ nữ trong buôn tận dụng diện tích đất trống, xung quanh nhà để trồng cây ăn quả, rau xanh. Để mô hình đạt hiệu quả, bước đầu hội hỗ trợ giống cây, hạt giống, phân bón và tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, hoa màu cho các hộ tham gia mô hình. Đồng thời, khuyến khích các hộ thành viên phát triển thêm chăn nuôi để đa dạng nguồn thu.
Chị H’Thu Liêng (buôn Ja) một trong những hộ tham gia mô hình cho biết, từ 10 cây giống ăn quả (mít, vải, bưởi, mãng cầu…) được Hội LHPN xã hỗ trợ, chị đã chủ động mua thêm cây giống và tiến hành trồng xen vào vườn cà phê rộng 2 sào của gia đình. Chị cũng cải tạo mảnh đất trống trước nhà có diện tích gần 50 m2 để trồng các loại rau xanh và mạnh dạn đầu tư vốn để chăn nuôi.
Mô hình nuôi bò nuôi nhốt thâm canh của hội viên, phụ nữ thôn 8 (xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) có hiệu quả kinh tế cao. |
Sau 4 năm thực hiện mô hình, đến nay vườn cây ăn trái của chị đã bắt đầu ra bói. Việc trồng rau vẫn được chị duy trì, không chỉ giúp gia đình có nguồn rau sạch phục vụ bữa ăn hằng ngày mà còn có rau bán cho người dân trong vùng, có thêm tiền trang trải chí phí sinh hoạt. Hiện chị cũng đang nuôi 2 cặp bò sinh sản, 4 con heo và gần 100 con gà thương phẩm. “Mô hình kinh tế tổng hợp này đã giúp gia đình tôi dần ổn định kinh tế, có nguồn thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm và có điều kiện lo cho con cái ăn học”, chị H’Thu chia sẻ
Từ hiệu quả mà mô hình mang lại, nhiều chị em trong buôn đã tích cực hưởng ứng tham gia, nâng tổng số thành viên lên 14 hộ. Trong đó, nhiều hộ đã có thu nhập hằng năm đạt từ 50 – 70 triệu đồng và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Ngoài hai mô hình nói trên, còn có thể kể đến một số mô hình hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả được Hội LHPN xã Hòa Sơn xây dựng và duy trì trong thời gian qua như mô hình “Nuôi gà thả vườn”, “Dệt thổ cẩm", mô hình “Giúp nhau phát triển kinh tế"…
Chủ tịch Hội LHPN xã Hòa Sơn Lê Thị Bích Thận cho biết, Hội LHPN xã hiện có 1.948 hội viên, sinh hoạt tại 15 chi hội. Đời sống kinh tế của hội viên, phụ nữ chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi nên còn nhiều khó khăn. Cùng với việc duy trì các mô hình hiện tại, trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục nghiên cứu các mô hình mới, cách làm hay phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, giúp hội viên, phụ nữ thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm trong lao động, sản xuất để tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững; góp phần thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc