Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xây dựng thương hiệu cho trứng vịt huyện Lắk

07:22, 03/12/2024

Nhờ tận dụng được lợi thế về hệ thống sông suối, cùng diện tích canh tác lúa nước hằng năm hơn 15.000 ha nên những năm qua, nghề chăn nuôi vịt siêu trứng của người dân huyện Lắk ngày càng phát triển mạnh.

Chăn nuôi an toàn VietGAP

Xác định khâu sản xuất là bước quan trọng nhất để thực hiện mục tiêu xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị sản phẩm, từ tháng 8/2019 – 12/2020, UBND huyện Lắk đã thực hiện dự án “Mô hình nuôi vịt đẻ trứng theo hướng VietGAP và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị”. Dự án được triển khai tại 12 hộ nuôi vịt đẻ trứng tại xã Đắk Nuê và xã Đắk Liêng (thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Thành Tín), có quy mô 24.000 con.

Trứng vịt sản xuất theo quy trình chăn nuôi VietGAP của hộ ông Trần Văn Sơn (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê, huyện Lắk).

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Nuê Nguyễn Đình Giang, sau khi triển khai dự án, người dân đã bắt đầu thay đổi tư duy chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hướng đến tiêu chuẩn VietGAP. Theo đó, các hộ chăn nuôi được hướng dẫn theo quy trình cụ thể để tạo ra sản phẩm đồng nhất về năng suất và chất lượng. Đồng thời, địa phương cũng phối hợp với hợp tác xã (HTX) liên kết với Cơ sở kinh doanh và thức ăn chăn nuôi Hiếu Thu (thị trấn Liên Sơn) để có mức giá tốt cho người dân. Nhờ vậy, đến nay mặc dù dự án đã kết thúc nhưng các thành viên HTX và nhiều hộ dân vẫn tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình chăn nuôi VietGAP.

Điển hình như gia đình ông Trần Văn Sơn (thôn Yên Thành 2, xã Đắk Nuê) có kinh nghiệm nuôi vịt gần 20 năm. Năm 2021, nhận thấy hiệu quả của việc chăn nuôi theo hướng VietGAP, cùng với sự hỗ trợ của địa phương và HTX, ông đã quyết định học hỏi và áp dụng quy trình này để chuyển đổi.

Theo đó, ông đầu tư mở rộng, lát nền xi măng chuồng trại để xịt rửa vệ sinh dễ dàng; trang bị tủ thuốc, dùng men vi sinh để khử mùi hôi, diệt khuẩn và chế phẩm sinh học để ủ chất thải vật nuôi. Nhờ vậy, đàn vịt sinh trưởng và phát triển khỏe mạnh.

Ông Sơn cho hay, so với nuôi vịt truyền thống, chăn nuôi theo quy trình VietGAP giúp đàn vịt hạn chế bệnh tật, năng suất đẻ trứng tăng lên 85 - 90%, vỏ trứng dày, chất lượng. Đồng thời, ông còn tận dụng được phụ phẩm trong chăn nuôi để làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây trồng bảo đảm an toàn môi trường.

Ông Nguyễn Đình Giang cho hay, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con tham gia tập huấn, hội thảo, trao đổi kinh nghiệm sản xuất trứng vịt an toàn sinh học. Đồng thời, sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP cho người dân có nhu cầu để nhân rộng mô hình, củng cố chuỗi liên kết bền vững.

Hướng đến sản phẩm OCOP

Theo chính quyền huyện Lắk, hiện nay nhiều người dân rất quan tâm đến việc chăn nuôi vịt siêu trứng an toàn sinh học hướng đến đạt tiêu chuẩn VietGAP. Bởi vậy, địa phương đang đưa trứng vịt chăn nuôi theo quy trình này vào Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Từ đầu năm 2024, UBND huyện đã phối hợp với hộ ông Nguyễn Trung Hiếu (chủ Cơ sở kinh doanh trứng vịt Hiếu Thu) để thực hiện các quy trình xây dựng sản phẩm OCOP.

Lò ấp trứng của hộ ông Nguyễn Trung Hiếu (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đang từng bước hoàn thiện quy trình, hồ sơ để đánh giá sản phẩm OCOP.

Bản thân ông Hiếu cũng là người có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi vịt đẻ trứng tại địa phương và đang sở hữu hệ thống lò ấp trứng vịt lộn với quy mô 50.000 trứng/lần. Cơ sở kinh doanh của ông đang liên kết thu mua của các hộ dân chăn nuôi vịt đẻ trứng VietGAP để bán ra thị trường ở TP. Hồ Chí Minh, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng… với số lượng trên 35.000 quả/ngày. Để đạt được sản phẩm tiêu chuẩn OCOP, thời gian qua ông Hiếu đã chú trọng chăn nuôi và thu mua sản phẩm chất lượng được kiểm nghiệm an toàn; tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trong quá trình sơ chế và buôn bán trứng vịt. Đồng thời, huy động nguồn lực để từng bước hoàn thiện máy móc, thiết bị, nhà xưởng; kiểu dáng bao bì phù hợp, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Lắk Võ Thành Huệ cho biết, hiện nay sản phẩm trứng vịt của Cơ sở kinh doanh Hiếu Thu đang hoàn thiện đầy đủ các hồ sơ theo quy định và dự kiến trong tháng 12/2024 sẽ đánh giá và chấm điểm. Chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các phòng, ban liên quan tiếp tục theo dõi, kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để chủ thể tham gia hoàn thiện quy trình xây dựng được sản phẩm OCOP cho trứng vịt.

"Hiện nay, trên địa bàn huyện có 77 hộ chăn nuôi vịt đẻ trứng, với số lượng thường xuyên ổn định hơn 250.000 con, trong đó tỉ lệ vịt đẻ trứng đạt trên 87%. Chất lượng trứng vịt huyện Lắk là quả to, lòng đỏ nhiều, chế biến có vị ngọt mềm hơn những nơi khác. Nếu xây dựng được thương hiệu sẽ là “đòn bẩy” nâng cao chất lượng sản phẩm và năng lực sản xuất, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị bền vững trong phát triển kinh tế nông thôn”, ông Võ Thành Huệ khẳng định.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.