Multimedia Đọc Báo in

Tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

08:14, 10/12/2024

Thời gian qua, từ nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, nhiều đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có thêm nguồn lực để khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đắk Lắk hiện có 494.537 thanh niên (chiếm khoảng 25,8% dân số toàn tỉnh), trong đó có 78.853 đoàn viên đang sinh hoạt. Các cấp bộ đoàn trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm.

Là đơn vị nhận ủy thác, tổ chức đoàn thanh niên đã phát huy vai trò "cầu nối" đưa vốn tín dụng chính sách xã hội  (CSXH) đến với thanh niên. Theo đó, hằng năm, đoàn thanh niên tiến hành rà soát, thẩm định, bình chọn đúng đối tượng, trong đó ưu tiên đoàn viên, thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo vay vốn; tập trung tổ chức tập huấn, lồng ghép kiến thức về khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thanh niên để phát triển mô hình kinh tế hiệu quả, bền vững. Đồng thời, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn sử dụng vốn đúng mục đích; các tổ tiết kiệm và vay vốn đôn đốc những trường hợp vay vốn trả lãi và gốc theo định kỳ.

Mô hình phát triển kinh tế sử dụng vốn tín dụng chính sách của thanh niên xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar).

Những năm qua, Đoàn xã Ea M'droh (huyện Cư M’gar) luôn chủ động phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện triển khai thực hiện ủy thác cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ các nội dung ký kết với Ngân hàng CSXH huyện, Đoàn xã Ea M'droh thường xuyên triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến đối tượng thụ hưởng; hướng dẫn tổ tiết kiệm và vay vốn và các thành viên về thủ tục vay vốn. Hiện nay, Đoàn Thanh niên xã Ea M'droh đang quản lý dư nợ hơn 8 tỷ đồng, với 192 hộ vay. Những hộ được tiếp nhận vốn vay đã tích cực phát triển sản xuất, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhằm thoát nghèo bền vững.

Trước đây, gia đình anh Tằng Văn Hếnh (thôn Đồng Giao, xã Ea M'droh) thuộc diện hộ nghèo do đất sản xuất ít, công việc không ổn định. Thông qua các buổi họp thôn, anh biết đến nguồn vốn vay hộ nghèo của Ngân hàng CSXH huyện. Năm 2015, anh Hếnh đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Lần lượt các năm 2018 và 2023, anh tiếp tục vay thêm 40 triệu đồng và 50 triệu đồng mua đất, đầu tư trồng mới cà phê. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, vườn cà phê của gia đình anh được chăm sóc đúng kỹ thuật, đủ phân bón, nước tưới nên cho năng suất, thu nhập cao, giúp anh vươn lên thoát nghèo.

Một thanh niên ở xã Đắk Nuê (huyện Lắk) chấp hành xong án phạt tù được vay vốn tín dụng chính sách để làm lại cuộc đời.

Cũng được hưởng lợi từ vốn ủy thác qua đoàn thanh niên là anh Y Âu Hđơk (buôn Năc, xã Ea Bông, huyện Krông Ana). Thông qua các buổi sinh hoạt, anh được Đoàn xã Ea Bông tư vấn, hỗ trợ tiếp cận các chương trình cho vay của Ngân hàng CSXH. Năm 2023, gia đình anh vay 30 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Từ 2 con bò mẹ ban đầu, đến nay đàn bò của gia đình anh có 4 con, trong đó có 3 con chuẩn bị sinh sản. Anh Y Âu cho biết, mỗi con bê bán được khoảng 5 triệu đồng, với đà này thì chỉ năm sau là trả hết khoản vay 30 triệu đồng của ngân hàng, cuộc sống sẽ đỡ vất vả hơn nhiều. Anh dự kiến tiếp tục vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.

Thời gian qua, các cấp bộ đoàn đã phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng CSXH triển khai thực hiện tốt những nội dung ủy thác, thực hiện giải ngân nhanh chóng, đúng đối tượng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng dư nợ do đoàn thanh niên quản lý đạt gần 1.455 tỷ đồng, với 32.168 hộ vay vốn (tăng 121 tỷ đồng so với cuối 2023). Toàn tỉnh hiện có 771 tổ tiết kiệm và vay vốn thanh niên, trong đó có 754 tổ xếp loại tốt (chiếm tỷ lệ 97,8%), 12 tổ khá, 5 tổ trung bình và không có tổ loại yếu. Từ nguồn vốn tín dụng CSXH đã có nhiều thanh niên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, nhân rộng các mô hình làm ăn hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lực lượng đoàn viên, thanh niên tại địa phương.

Minh Chi - Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Kiên quyết thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn, chiếm 
Đắk Lắk có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Không chỉ gặp khó trong việc quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm rẫy, tỉnh Đắk Lắk còn đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác thu hồi đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép. ​​​​​​​