Multimedia Đọc Báo in

Huyện Đoàn Cư M'gar: Nhiều giải pháp hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp

09:39, 27/04/2018

Thực hiện phương châm “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”, thời gian qua, Huyện Đoàn Cư M’gar đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, qua đó khơi dậy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trên mặt trận xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế ở địa phương.

Tạo động lực cho thanh niên khởi nghiệp

Huyện Đoàn Cư M’gar có 36 tổ chức cơ sở đoàn trực thuộc với 6.173 đoàn viên, trong đó có 3.173 đoàn viên nông thôn. Bí thư Huyện Đoàn H’Giang Niê cho biết, từ năm 2012, Huyện Đoàn đã phát động phong trào xây dựng Quỹ Khởi nghiệp nhằm hỗ trợ vốn cho thanh niên phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên thoát nghèo. Phong trào được đông đảo đoàn viên thanh niên (ĐVTN) hưởng ứng. Theo đó, mỗi ĐVTN đều tham gia đóng góp từ 5.000 đồng/năm (đối với ĐVTN nông thôn) và 20.000 đồng/năm (đối với ĐVTN có hưởng lương). Đến nay, Huyện Đoàn đã huy động được 270 triệu đồng Quỹ Khởi nghiệp, tạo điều kiện cho 25 ĐVTN vay vốn quay vòng để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế.

Anh Vũ Việt Dũng (bìa trái) giới thiệu mô hình trồng nấm của mình với cán bộ Huyện Đoàn Cư M’gar.
Anh Vũ Việt Dũng (bìa trái) giới thiệu mô hình trồng nấm của mình với cán bộ Huyện Đoàn Cư M’gar.

Cùng với đó, các cấp bộ Đoàn trên địa bàn huyện còn thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân vốn vay ưu đãi giúp thanh niên nông thôn có điều kiện kinh doanh, phát triển sản xuất. Đến nay, tổ chức Đoàn các cấp đang nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội cho trên 2.000 hộ gia đình thanh niên vay vốn với tổng dư nợ 37 tỷ đồng. Trong năm 2017, thông qua chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm (nguồn vốn 120) do Trung ương Đoàn ủy quyền, Huyện Đoàn Cư M’gar đã phối hợp với Tỉnh Đoàn hỗ trợ 3 thanh niên tiếp cận vốn vay 50 triệu đồng/người để phát triển mô hình trồng rau và sản xuất nấm sạch…

Theo Bí thư Huyện Đoàn H’Giang Niê, không chỉ hỗ trợ về vốn, các cơ sở đoàn trong huyện còn linh hoạt phối hợp tổ chức những buổi hội thảo, lớp tập huấn, đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh… Riêng năm 2017, các cấp Đoàn đã tổ chức được 7 buổi tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm và tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho 235 ĐVTN tham gia. Qua đó, ĐVTN đã tích cực học tập kinh nghiệm, nâng cao hiểu biết, tìm hướng đi đúng trong phát triển kinh tế, làm ăn có hiệu quả.

Nhiều mô hình khởi nghiệp thành công

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Cư M’gar hiện có trên 100 mô hình kinh tế của thanh niên tiêu biểu, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã  Ea Kpam, Ea Kiết, Ea Kuêh, Quảng Tiến, thị trấn Quảng Phú, Ea Pốk...

Anh Y Phăng Mlô (SN 1992), trú buôn Jok (xã Ea H’đing) bị khuyết tật bẩm sinh hai chân. Do gia đình khó khăn nên sau khi học hết lớp 9 anh phải nghỉ học, hằng ngày phụ giúp chị gái bán nước mía. Nhận thấy nhu cầu sử dụng chậu cây cảnh ở địa phương khá lớn, Y Phăng nảy sinh ý tưởng đúc chậu để bán. Nhờ chịu khó học hỏi, tham khảo thêm cách đúc chậu xi măng qua sách báo… nên sản phẩm anh làm ra khá bắt mắt, được nhiều người ưa chuộng. Sau khi được Đoàn xã Ea H’đing động viên, hướng dẫn, Y Phăng làm đơn trình bày ý tưởng khởi nghiệp và đã được Huyện Đoàn hỗ trợ 20 triệu đồng vốn vay từ Quỹ Khởi nghiệp. Khi có vốn, Y Phăng đầu tư mặt bằng, mua dụng cụ, vật liệu và chuyên tâm với công việc đúc chậu. Với bản tính cần cù, sáng tạo, anh đã tự tìm tòi thêm các mẫu chậu cảnh lạ mắt, độc đáo trên Internet để làm đáp ứng thị hiếu của khách hàng.  Hiện nay, bình quân mỗi ngày anh bán ra khoảng 4-5 chậu cảnh với giá tùy loại từ 100 - 600 nghìn đồng/chậu. Nhờ vốn khởi nghiệp, Y Phăng Mlô đã có nghề nghiệp ổn định với thu nhập trên 50 triệu đồng/năm.

Anh  Y Phăng Mlô, trú tại  buôn Jok (xã Ea H’đing)  đang sơn  chậu cây cảnh trước khi bán.
Anh Y Phăng Mlô, trú tại buôn Jok (xã Ea H’đing) đang sơn chậu cây cảnh trước khi bán.

Tháng 8-2017, anh Vũ Việt Dũng (SN 1992) trú tại thôn 7 (xã Ea Kpam) được Huyện Đoàn Cư M’gar tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn 120 để đầu tư xây dựng mô hình nhà lưới trồng nấm, sản xuất phôi nấm các loại với quy mô gần 1 ha. Anh Dũng cho hay, nấm dễ trồng và dễ chăm sóc, chỉ cần cung cấp đủ nước, độ ẩm nhà nấm và bảo quản đúng kỹ thuật. Từ khi thành lập đến nay, cơ sở của anh bán ra thị trường khoảng 120.000 bịch phôi nấm các loại và 3 tấn nấm tươi, thu về khoảng 600 triệu đồng. Số tiền này anh tiếp tục đầu tư mở rộng trang trại nấm và hiện đã có quy mô sản xuất 1,5 ha. Theo anh Dũng, nhu cầu nấm và phôi nấm trên thị trường khá lớn. Sản phẩm anh làm ra được xuất bán tại hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, nhiều đơn hàng ngoại tỉnh anh chưa dám nhận.

Ngoài những điển hình kể trên, thông qua các hoạt động hỗ trợ thiết thực của Huyện Đoàn Cư M’gar đã xuất hiện nhiều mô hình thanh niên sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm như: Mô hình trồng rau sạch của thanh niên Lương Xuân Đức trú tại tổ dân phố 5, thị trấn Quảng Phú; mô hình nuôi bò sinh sản của thanh niên Nguyễn Đức Hòa, thôn 2 xã Ea Kpam; mô hình chăn nuôi dê sinh sản và chế biến rượu cần Thái của đoàn viên Lương Văn Dũng ở xã Ea Kuêh…

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.