Để vụ Đông Xuân 2024 - 2025 thắng lợi
Ngay từ những ngày đầu năm mới, ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương và nông dân toàn tỉnh đã tập trung bám ruộng đồng, chủ động triển khai nhiều giải pháp để sản xuất vụ 2024 - 2025 đạt thắng lợi.
Nông dân bám ruộng đồng
Từ mùng 6 Tết Nguyên đán Ất Tỵ, ông Lê Văn Giảng (thôn 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã tranh thủ ra đồng chăm sóc lúa. Theo ông Giảng, năm nay thời tiết lạnh kéo dài khiến lúa phát triển chậm hơn mọi năm và khả năng cao sớm xuất hiện các loại bệnh hại. Bởi vậy, ông đã bám ruộng đồng để kịp thời kiểm tra, phát hiện sâu bệnh hại lúa; đồng thời tăng cường bón phân nhằm tăng sức đề kháng cho cây phát triển nhanh, không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng cuối vụ.
![]() |
Ông Lê Văn Giảng (thôn 2, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) bón phân cho lúa. |
Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình anh Khổng Minh Thu (thôn Đoàn Kết 2, xã Buôn Triết, huyện Lắk) gieo sạ 2,5 ha lúa ST24 từ tháng 12/2024. Với kinh nghiệm hơn 20 năm trồng lúa, anh Thu cho hay, sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ, lúa của gia đình ở giai đoạn đẻ nhánh nên anh đã thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình phát triển. So với các năm trước, năm nay do thời tiết lạnh nên lúa đẻ nhánh muộn hơn khiến thời gian thu hoạch có thể sẽ kéo dài hơn nửa tháng. Điều này khiến lúa vụ Hè Thu sẽ gieo sạ muộn hơn, dễ gặp phải thiên tai, lũ lụt ở thời kỳ sắp thu hoạch. Do đó, hiện tại, anh phải thăm đồng thường xuyên để bảo đảm nguồn nước cho lúa đủ ẩm, bón phân giúp cây phát triển nhanh với hy vọng năng suất cao và thu hoạch đúng thời vụ.
Cùng với chăm sóc lúa, nông dân trong tỉnh cũng tập trung sản xuất các loại rau màu khác. Gia đình ông Hồ Văn Sự (thôn Yên Thành 1, xã Đắk Nuê, huyện Lắk) trồng khoảng 5 ha khoai lang từ tháng 12/2024. Ông Sự chia sẻ, thời điểm này, khoai lang của gia đình đang ở giai đoạn phát triển nên ông đã thuê nhân công làm cỏ, kết hợp vun xới giúp đất tơi xốp, thông thoáng, tạo điều kiện cho cây phát triển tốt nhất. Đồng thời, tỉa nhánh để kích thích cây ra củ nhiều, to đều, bảo đảm tán cây đủ sức quang hợp. Bên cạnh đó, giai đoạn này, ông còn phải tưới nước thường xuyên từ 12 - 15 ngày/đợt để cung cấp đủ độ ẩm và chủ động phun thuốc bảo vệ thực vật phòng tránh các loại bệnh như nấm đen, sâu ăn lá...
Chủ động các giải pháp
Để sản xuất vụ Đông Xuân đạt thắng lợi, ngay sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương đã tăng cường kiểm tra, theo dõi tình hình trồng trọt, sản xuất của bà con nông dân để chủ động các giải pháp ứng phó.
Đến nay, huyện Lắk đã gieo trồng 7.479 ha cây trồng các loại (đạt 100% kế hoạch), trong đó có 5.774 ha lúa, 522 ha ngô, 738 ha khoai lang, 374 ha rau xanh, 62 ha đậu và 9 ha lạc. Từ ngày mùng 9 Tết, lãnh đạo huyện Lắk cùng chính quyền các xã đã tiến hành kiểm tra tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2024 – 2025, trong đó tập trung kiểm tra các trạm bơm, hệ thống kênh mương thủy lợi. Sau kiểm tra, Bí thư Huyện ủy Lắk Nguyễn Văn Long đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân chủ động thăm đồng thường xuyên nhằm kịp thời phát hiện và phòng trừ các loại sâu, bệnh trên cây lúa. Đồng thời, yêu cầu chính quyền các xã phối hợp với cơ quan chuyên môn có phương án cải tạo, nâng cấp các hệ thống kênh mương thủy lợi đã xuống cấp, chưa mang lại hiệu quả tại cánh đồng buôn Kdiê 1 (xã Đắk Nuê); trạm bơm buôn Cuôr (xã Yang Tao) nhằm tăng lưu lượng nước tưới phục vụ sản xuất…
![]() |
Lãnh đạo huyện Lắk kiểm tra tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2024 – 2025 tại địa phương. |
Huyện Krông Ana hiện cũng đã hoàn thành gieo cấy 5.886 ha lúa, 150 ha ngô, 130 ha khoai, 60 ha đậu, 468,7 ha rau các loại và 66 ha cây trồng khác. Theo chính quyền địa phương, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất ngay từ đầu năm để bà con có vụ Đông Xuân bội thu. Cụ thể, UBND huyện đã phối hợp với Chi nhánh Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk chỉ đạo các xã vận hành trạm bơm điều tiết nguồn nước, hệ thống kênh mương để bà con chăm sóc cây trồng. Đồng thời, hướng dẫn UBND các xã, thị trấn phối hợp với các ngành liên quan thường xuyên bám sát cơ sở, kịp thời xử lý vấn đề phát sinh trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; theo dõi tình hình thời tiết để chủ động phòng, chống thiên tai...
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng yêu cầu các phòng, ban liên quan thực hiện nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm vụ Đông Xuân 2024 - 2025 thắng lợi. Cụ thể, theo dõi tiến độ gieo trồng; tham mưu công tác chỉ đạo và ban hành dự báo tình hình sinh vật gây hại phát sinh; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Đồng thời, yêu cầu trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các huyện, thị xã, thành phố bố trí cán bộ phụ trách địa bàn tập trung theo dõi, kiểm tra các đối tượng phát sinh gây ra những loại bệnh trên một số cây trồng như: chuột, ốc bươu vàng trên cây lúa; khô cành, khô quả ở cà phê; rầy bông, nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng; khảm lá sắn; bệnh chết nhanh chết chậm của cây hồ tiêu…
Tính đến ngày 12/2, toàn tỉnh đã gieo trồng vụ Đông Xuân 2024 - 2025 được 62.017 ha (đạt 98,44% kế hoạch). Trong đó có 44.824 ha lúa, 3.198 ha ngô, 1.566 ha khoai lang, 4.578 ha rau xanh, 1.176 ha đậu các loại, 1.935 ha sắn, 496 ha mía, 1.599 ha thuốc lá và 2.645 ha cây hằng năm khác. |
Khánh Giang
Ý kiến bạn đọc