Multimedia Đọc Báo in

Vụ Đông Xuân 2024 - 2025: Chủ động ứng phó với nguy cơ thiếu nước sản xuất

07:16, 25/11/2024

Thời điểm triển khai vụ Đông Xuân của Đắk Lắk là lúc vùng Tây Nguyên bước vào mùa khô, vì vậy nguồn nước sản xuất phụ thuộc rất lớn vào trữ lượng nước của các công trình thủy lợi.

Tuy nhiên, năm 2024 tổng lượng mưa toàn tỉnh trung bình chỉ bằng 75,4% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước sản xuất cho vụ Đông Xuân 2024 – 2025 là rất cao.

Nhiều hồ đập chưa tích đủ nước

Theo Sở NN-PTNT, năm nay mùa mưa sẽ kết thúc vào cuối tháng 11 nhưng đến nay chỉ có các hồ chứa vừa và nhỏ do địa phương quản lý trên địa bàn các huyện: Krông Năng, Cư Kuin, Krông Ana... cơ bản đạt mực nước dâng bình thường; riêng các huyện như M’Drắk, Ea Kar, Lắk, Ea H’leo… chỉ đạt từ 50 – 80%. Nguyên nhân là do lượng mưa ít, nguồn sinh thủy cạn kiệt, lượng nước về hồ không đạt yêu cầu so với thiết kế. Đối với 252 hồ chứa do Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý thì vẫn còn 9 hồ có mực nước dưới 50%; 15 hồ đạt từ 50 – 70%; 64 hồ đạt mức 70 – 90% và 164 hồ đang ở mực nước dâng bình thường. Điều đáng lo ngại hơn là đa số các hồ vừa và nhỏ hiện nay lòng hồ bị bồi lắng nhiều nên mặc dù trữ đầy nước nhưng không bảo đảm dung tích thiết kế.

Ông Nguyễn Thành Long, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, chỉ có gần 23% diện tích đất canh tác nông nghiệp trên địa bàn tỉnh được tưới từ các công trình thủy lợi. Vì vậy năm nay sẽ gặp khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất nếu kết thúc mùa mưa mà các hồ đập không tích đủ nước. Do đó, các địa phương cần căn cứ vào nguồn nước thực tế để xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp.

Nông dân xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) bón phân cho lúa vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Ảnh: M.Thuận

Tại huyện Krông Pắc, hiện người dân đã bắt đầu làm đất để xuống giống vụ mới; các hồ Krông Buk Hạ, hồ Ea Uy, hồ Ea Kuang, hồ Phước Trạch, hồ thôn 7… đã tích đủ cao trình qua tràn tự do, sẵn sàng phục vụ sản xuất cho toàn bộ diện tích thuộc phạm vi tưới của công trình. Tuy nhiên, lượng nước tại các hồ chứa như: Vụ Bổn (xã Vụ Bổn); hồ Ea Yiêng (xã Ea Yiêng); hồ A1 và A2 (xã Ea Kly) hiện mới tích trữ được 60 – 80% dung tích thiết kế. Đặc biệt, hồ Ea Nông (xã Vụ Bổn) chỉ đạt 30% dung tích chứa thiết kế, khả năng không bảo đảm nước cho diện tích tưới từ công trình.

 

Theo Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk, hiện nay đơn vị đang rà soát lại diện tích tưới vụ Đông Xuân 2024 - 2025 ở các công trình thủy lợi để chủ động các giải pháp chống hạn. Đối với các hồ không tích đủ nước như hồ Vụ Bổn (huyện Krông Pắc) dự kiến sẽ cắt giảm 50% diện tích tưới theo kế hoạch; hồ Ea Nông (huyện Krông Pắc) có khả năng sẽ không cung cấp nước tưới vì hiện giờ mực nước quá thấp (hơn 30%).

Phòng NN-PTNT huyện Krông Pắc cho biết, vụ Đông Xuân 2024 – 2025, tổng diện tích gieo trồng dự kiến của huyện khoảng 9.552 ha cây trồng các loại, chủ yếu là lúa nước với 8.107 ha và 575 ha ngô. Trước tình hình khó khăn về nguồn nước, huyện đang tập trung chỉ đạo các địa phương chú trọng khả năng lưu chứa của các hồ, đập; sử dụng hợp lý nguồn nước bảo đảm phục vụ cho làm đất và tưới dưỡng cho lúa cũng như cây trồng cạn. Đồng thời, chuyển đổi những diện tích đất không chủ động nước, diện tích  lúa nước kém hiệu quả sang trồng cây màu có giá trị kinh tế cao.

Chủ động tránh hạn

Thời điểm này, nhiều nông dân tại huyện Krông Ana đang tranh thủ thuê máy cày xới đất, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị vào vụ mới. Trên cánh đồng Bảy Mẫu (xã Bình Hòa), các nông hộ đang khẩn trương thực hiện những khâu cuối cùng để chuẩn bị gieo sạ. Theo các nông dân ở đây, năm nay mực nước nổi không cao nên bà con phải tranh thủ xuống giống sớm hơn so với mọi năm để "né" hạn cuối vụ.

Ông Nguyễn Văn Tưởng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nhật Minh (xã Bình Hòa) cho hay, vụ Đông Xuân 2024 - 2025, HTX sẽ gieo sạ khoảng 540 ha lúa, chủ yếu là các giống lúa ST24, ST25. Vụ sản xuất lúa Đông Xuân năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do mực nước nổi không cao nên lượng phù sa bồi đắp cho ruộng đồng thấp hơn mọi năm; các chất độc từ vụ trước cũng không được rửa trôi, kéo theo đó dễ bùng phát chuột và sinh vật gây hại.

Nhận định được tình hình thực tế, ngay từ tháng 11/2024, HTX đã chủ động nạo vét lòng kênh, gia cố và sửa nhiều điểm hư hỏng của kênh mương nội đồng để chủ động cung cấp nước cho bà con làm đất, gieo sạ. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền khuyến cáo của ngành nông nghiệp về quản lý tốt các loại dịch hại, đặc biệt là thu gom ốc bươu vàng và diệt chuột ngay từ khi chuẩn bị bước vào vụ sản xuất.

Còn tại xã Dray Sáp, nhiều cánh đồng lúa đã được bà con gieo sạ hơn một tháng nay. Lão nông Nguyễn Anh (thôn Đồng Tâm) chia sẻ, do nguồn nước sản xuất phụ thuộc vào nước trời nên bà con cứ phải gieo sạ sớm để "né" hạn vào cuối vụ. Hiện gia đình có hơn 2 sào lúa đã sạ được 1,5 tháng, chuẩn bị vào giai đoạn làm đòng nên phải đi thăm ruộng thường xuyên, bón phân kịp thời để cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao.

Nông dân ở xã Bình Hòa (huyện Krông Ana) cày đất chuẩn bị gieo sạ vụ Đông Xuân 2024 - 2025. Ảnh: G. Nga

Theo Phòng NN-PTNT huyện Krông Ana, vụ Đông Xuân 2024 – 2025, toàn huyện dự kiến gieo trồng gần 6.850 ha cây ngắn ngày các loại, trong đó lúa nước gần 5.860 ha. Để chủ động tránh hạn cuối vụ, hiện bà con đã chủ động theo dõi thời tiết và bám lịch thời vụ để triển khai gieo trồng kịp thời. Phòng cũng đã tiến hành điều tra, rà soát, đánh giá nguồn nước, xác định những diện tích không bảo đảm nguồn nước tưới để yêu cầu không đưa vào kế hoạch sản xuất. Những vùng bấp bênh về nguồn nước, hoặc năm trước đã bị hạn thì khuyến khích bà con chuyển đổi cây trồng và có biện pháp canh tác phù hợp.

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT đánh giá, vụ Đông Xuân 2024 – 2025, toàn tỉnh dự kiến gieo trồng gần 63.000 ha cây ngắn ngày các loại (chủ yếu là lúa nước 45.000 ha, ngô 3.670 ha, khoai lang và sắn 3.200 ha, đậu các loại 1.090 ha...).

Nhằm thực hiện thắng lợi vụ Đông Xuân, nhất là việc bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm. Thực hiện một số giải pháp tận dụng triệt để nguồn nước như: nâng cao ngưỡng tràn các hồ chứa nhỏ bằng bao cát vào cuối mùa mưa để tăng thêm dung tích nước trong hồ; trữ nước tối đa trong các ao, đầm và những nơi có điều kiện cho phép để phục vụ tưới.

Đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk tiến hành nạo vét và tu sửa, bảo dưỡng kênh mương để duy trì chất lượng công trình, hạn chế thất thoát khi dẫn nước tưới; kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống đóng mở cửa cống để chủ động phân phối, điều tiết nước hợp lý.

Minh Thuận – Giang Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.