Hạnh phúc vững bền trên cao nguyên cà phê
Đến Đắk Lắk độ cà phê đang chín, không khó để bắt gặp hình ảnh những nông dân Tây Nguyên làm việc trên rẫy cà phê bạt ngàn.
Sinh sống nơi “thủ phủ” cà phê, chứng kiến biết bao thăng trầm của “hạt vàng nâu”, bản thân những nông dân cũng có nhiều thay đổi, từ canh tác, chăm sóc, thu hái…, giúp tăng giá trị hạt cà phê, nâng cao thu nhập cho họ.
Dành cả đời cho những hạt cà phê
Đắk Lắk được xem là “thủ phủ” cà phê của Việt Nam. Với diện tích hiện có lên đến 212.106 ha, năng suất hơn 26,7 tạ/ha, tổng sản lượng hằng năm đạt trên 500.000 tấn, cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu nhập của đại đa số người dân sinh sống trên địa bàn.
Đáng chú ý là trong những năm qua, quy mô sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, nhu cầu thị trường một số sản phẩm cà phê chất lượng cao (cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ…) có xu hướng ngày càng tăng, thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Đặc biệt, thời gian này cà phê lại được quan tâm nhiều hơn khi giá bán liên tục tăng cao, có thời điểm vượt ngưỡng 130 triệu đồng/tấn. Nhờ đó, trình độ của người sản xuất cà phê đang cải thiện từng ngày, theo hướng an toàn và bền vững hơn.
Ông Trần Hồng Minh (TP. Buôn Ma Thuột) thu hoạch cà phê hữu cơ của gia đình. |
Ông Trần Hồng Minh (SN 1966, một nông dân gắn bó với cây cà phê tại xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) vào Đắk Lắk lập nghiệp năm 1995. Từ thời điểm đó, ông đã bắt đầu trồng cà phê trên diện tích 1,5 ha theo phương thức truyền thống.
Thời điểm 2014 – 2017, khi giá hồ tiêu tăng cao, nhiều gia đình sẵn sàng chặt bỏ cây cà phê để tìm hướng đi mới (trồng hồ tiêu, chanh dây, sầu riêng…) nhưng gia đình ông Minh vẫn “chung thủy” với cây cà phê.
Theo ông Minh, cây gì cũng vậy, chỉ cần thay đổi nhận thức, cách làm thì đều mang lại giá trị cao. Thị trường ngày càng khó tính nên người trồng cà phê phải thay đổi tư duy, phương thức trồng và chăm sóc. Thế nên để cây cà phê phát triển tốt, ông Minh tìm hiểu về giống, đầu tư chăm sóc, chế biến theo hướng hữu cơ.
Đặc biệt, năm 2018, ông được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công (TP. Buôn Ma Thuột) ngỏ ý cùng phát triển cà phê hữu cơ, được công ty hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, cây giống, trang thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến.
Ông Minh cho hay, ban đầu làm quen với một số máy móc, kỹ thuật hiện đại, hái quả chín 100% khiến ông gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nếu theo cách làm cũ dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ… ô nhiễm môi trường, chi phí đầu tư cao.
Từ khi phát triển cà phê theo hướng hữu cơ, năng suất một số năm đầu tiên giảm 20 – 30% nhưng bù lại bán được với giá cao hơn thị trường từ 5.000 – 20.000 đồng/kg (tùy năm). Nhờ vậy gia đình ông Minh có thêm một nguồn thu nhập cao, ổn định từ cà phê.
Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công Lê Văn Vương chia sẻ, hiện công ty sở hữu 5 ha cà phê có chứng nhận và liên kết với 13 hộ dân, 7 hợp tác xã (HTX) trong và ngoài tỉnh phát triển cà phê hữu cơ. Không chỉ sản xuất, công ty còn liên tục tổ chức các lớp học miễn phí cho những người sản xuất, kinh doanh cà phê nhằm xây dựng một cộng đồng phát triển cà phê theo hướng bền vững.
“Quả ngọt” từ vị đắng của hạt cà phê
Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) Nguyễn Văn Phúc cho hay, năm 1985, ông từ huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) vào Đắk Lắk làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước. Năm 2006, ông nghỉ việc theo chế độ và về phát triển kinh tế tại địa phương.
Quyết định “cắm neo” đất này, ông Phúc quyết tâm làm giàu từ cây cà phê. Để cây cà phê phát triển hiệu quả, ông Phúc đến Trung tâm Giống cây trồng Ea Kmat Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) tìm các loại giống cà phê phù hợp để trồng. Sau đó, ông Phúc làm thương lái thu mua cà phê của các hộ dân trên địa bàn. Công việc thu mua của ông Phúc gặp nhiều khó khăn, muốn bán được cà phê cho doanh nghiệp lớn thì phải có tư cách pháp nhân, tuân thủ những quy tắc nghiêm ngặt từ trồng đến thu hái. Vì vậy năm 2011, ông Phúc thành lập HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết.
Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Kiết (xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) luôn kiên định mục tiêu phát triển bền vững cây cà phê. |
Với suy nghĩ nếu không liên kết, không sản xuất cà phê có chứng nhận thì sản phẩm sẽ không vươn ra được thị trường quốc tế, thời điểm đó ông đã vận động, đưa xã viên đi tập huấn để thực hiện liên kết trồng cà phê theo chứng nhận. Ban đầu, các xã viên phải tuân thủ quy trình canh tác, kỹ thuật trồng cây che bóng, phun thuốc, bón phân, cắt cành, thời điểm thu hái (khi tỷ lệ quả chín đạt trên 90%)… khá khó khăn do đã quen với cách làm cũ. Nhiều xã viên khi làm theo chương trình này thấy mệt mỏi, gò bó và cả phiền phức vì phải tuân thủ nghiêm các quy định về thời gian cắt cành, làm cỏ, tưới nước, bón phân, rồi còn phải ghi chép cẩn thận vào sổ nông hộ. Nhưng để nâng cao giá trị cây cà phê, họ đều nghiêm chỉnh thực hiện.
Thế nhưng khi có được chứng nhận FLO, trong hai năm liên tiếp, cà phê của HTX làm ra vẫn không bán được. Có xã viên đã từ bỏ hướng đi này nhưng ông Phúc vẫn kiên trì với con đường mà mình đã chọn, tích cực tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Năm 2013, ông Phúc là một trong những nhà sản xuất nhỏ tại châu Á được Tổ chức Thương mại Công bằng Thế giới (WFTO) mời tham dự hội thảo tại Indonesia. Tại đây, ông đã tìm kiếm được một số đối tác thu mua trên thế giới. Trở về từ chuyến đi đó, cà phê của HTX được bán hết, đối tác tìm đến ngày càng nhiều.
Từ thành quả đó, đến nay HTX đã có 117 thành viên (75 thành viên chính thức, 42 thành viên liên kết), với diện tích canh tác lên đến 198,6 ha, trong đó có hơn 136 ha có chứng nhận FLO. Hiện nay, sản lượng hằng năm của HTX đạt 735 tấn cà phê, doanh thu bình quân đạt 20 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, những thành viên và thành viên liên kết với HTX tăng thêm thu nhập từ 10 – 15 triệu đồng/tháng so với những nông hộ không tham gia liên kết. Nhờ đó đã thay đổi cuộc sống cho nhiều gia đình tại địa phương.
Nhờ kiên định với cây cà phê đã giúp hàng vạn gia đình ở Đắk Lắk có cuộc sống sung túc, nuôi nấng con cái trưởng thành. Đặc biệt, từ trồng cà phê theo cảm tính, kinh nghiệm, đến nay các nông hộ đã thực hiện làm theo khoa học, thay đổi từng ngày để vươn lên xây dựng hạnh phúc vững bền trên mảnh đất cao nguyên này.
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc