Multimedia Đọc Báo in

Để phòng, trừ bệnh đạo ôn trên lúa

11:35, 08/08/2021

Vụ hè thu tại Đắk Lắk rơi vào mùa mưa, giai đoạn mạ và đẻ nhánh của lúa đúng vào thời kỳ mưa, nắng đan xen, tạo độ ẩm và nhiệt độ thích hợp cho nấm ePyricularia oryza gây bệnh đạo ôn phát sinh và lây lan trên lúa.

Bệnh đạo ôn gây hại ở hầu hết các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa, từ giai đoạn mạ, đẻ nhánh, trổ, chín. Bệnh phá hại các bộ phận của cây lúa như lá, đốt thân, cổ bông, hạt. Tùy theo bộ phận bị hại mà người ta gọi là bệnh đạo ôn lá (cháy lá), hay đạo ôn cổ bông…

Thực tế cho thấy, những diện tích lúa bị bệnh đạo ôn phát sinh trên lá hầu hết là chân ruộng có tầng mùn sâu, gieo sạ rất dày, với các loại giống từ lúa thịt của bà con để lại sau thu hoạch (không phải giống nguyên chủng hay xác nhận), bón phân đạm (Urê, sunphat, NPK) nhiều, không cân đối làm cây lúa sinh trưởng và phát triển yếu ớt, không có khả năng kháng bệnh.

Tại những ruộng bị bệnh đạo ôn gây hại trên lá, quan sát kỹ sẽ thấy vết bệnh lúc đầu chỉ là những chấm nhỏ, màu xanh xám, sau lớn lên có dạng hình thoi đặc trưng, nhọn hai đầu dọc theo gân lá, viền vết bệnh màu nâu, tâm màu xám trắng. Nếu không có biện pháp tác động kịp thời, để bệnh lây lan, các vết bệnh to dần và liên kết lại với nhau, tạo thành những mảng lớn hình thù không rõ rệt, lá bị cháy khô, gọi là bệnh cháy lá.

Nông dân huyện Krông Ana đang chăm sóc lúa để phòng tránh sâu bệnh.  Ảnh: Thuận Nguyên
Nông dân huyện Krông Ana chăm sóc lúa để phòng tránh sâu bệnh. Ảnh: Thuận Nguyễn

Khi lá lúa bị bệnh, cây lúa sẽ không quang hợp được để tích lũy năng lượng, cây yếu, nếu bị nhẹ ở giai đoạn mạ, cây lúa có thể phục hồi. Nếu bệnh đạo ôn gây hại nặng ở giai đoạn làm đòng, trổ thì ở cổ bông lúa có những vết bệnh, to dần và ôm quanh cổ bông lúa, làm cổ bông bị héo, gọi là “đạo ôn cổ bông”, lúc này dinh dưỡng sẽ không thể đưa lên nuôi hạt được, bông lúa thường bạc trắng hay lép lửng.

Để phòng, trừ bệnh đạo ôn trên lúa, không còn biện pháp nào hay hơn là áp dụng quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên cây lúa ngay từ đầu vụ, hay nói cách khác là tổng hợp các biện pháp để quản lý bệnh đạo ôn hại lúa. Cụ thể là sau khi thu hoạch xong lúa vụ đông xuân, tiến hành xử lý đất, cày phơi ải để thời gian phơi đất càng lâu càng tốt. Gieo lúa đúng thời vụ để tránh thời kỳ xung yếu của cây lúa.

Tiếp theo là chọn các giống lúa năng suất, chất lượng cao, sạch bệnh, sạch cỏ, thích hợp với vụ hè thu tại địa phương theo khuyến cáo của nhà chuyên môn. Khi đến thời điểm xuống giống, tiến hành bơm nước vào ruộng, kết hợp san bằng mặt ruộng, đánh gò thoát nước để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho hạt lúa bám rễ. Đối với lúa thuần, mật độ gieo sạ tốt nhất từ 120 - 130 kg lúa giống/ha, còn đối với giống lúa lai và một số giống lúa cao sản gieo sạ lượng giống theo khuyến cáo của nhà sản xuất (không quá 50 kg giống/ha). Tuyệt đối vụ hè thu không được gieo sạ dày, cây khó cạnh tranh về dinh dưỡng và ánh sáng để quang hợp, sẽ tạo điều kiện cho nấm gây bệnh đạo ôn phát sinh, lây lan.

Quản lý nước trong ruộng phù hợp giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, ít chịu tác động của phèn, ngộ độc hữu cơ và còn giảm thất thoát dinh dưỡng trên ruộng. Cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa thông qua các loại phân bón phù hợp chân đất trong ruộng, bón đúng và đủ dinh dưỡng không những đáp ứng được yêu cầu của cây mà còn giữ được ổn định môi trường của đất.

Ở đất chua tuyệt đối không bón những loại phân có tính axít cao quá ngưỡng và trên loại đất kiềm không bón những loại phân có tính kiềm cao quá ngưỡng. Trường hợp do điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát triển lây lan cần phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thì phải áp dụng bốn đúng: đúng thuốc, đúng lúc, đúng cách và đúng liều lượng, nồng độ..

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.