Multimedia Đọc Báo in

Bao quả từ trên cây - biện pháp nâng cao chất lượng quả

09:13, 29/10/2021

Biện pháp bao quả các sản phẩm cây ăn quả trong vườn đang được nhiều nông dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột áp dụng đã cho thấy nhiều lợi ích, giúp nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Từ nhiều năm nay, anh Trịnh Xuân Mười (thôn Cao Thành, xã Ea Kao) đã áp dụng phương pháp bao quả cho vườn bơ rộng lớn của mình. Anh Mười cho biết, ngoài các biện pháp liên quan tác động như điều kiện tự nhiên, giống, dinh dưỡng, tưới tiêu, thu hoạch… thì không thể thiếu biện pháp bao quả bơ từ lúc quả non để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm trái cây.

Không riêng gì bơ, hầu hết các loại cây ăn quả nếu được bao bọc quả từ nhỏ sẽ giúp chuyển đổi sắc tố của trái cây, hạn chế hư hao do sâu bệnh, tăng số lượng quả hữu hiệu, tăng trọng lượng quả và mẫu mã đẹp hơn.

Anh Phạm Văn Trọng bọc xoài để bảo đảm chất lượng quả.

Theo anh Phạm Văn Trọng, chủ nhân của hơn 3 ha cây ăn quả các loại gồm xoài, bưởi da xanh, quýt, ổi, na, sầu riêng tại thôn 11 (xã Hòa Phú), mục đích của việc bao quả là ngăn chặn hiệu quả sự tấn công của côn trùng, nấm bệnh lên quả, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo đó, hầu hết các cây ăn quả trong vườn đều được anh Trọng bọc quả từ khi quả còn non bằng các loại bao chuyên dụng, năng suất tăng khoảng 20% so với không bao quả. Sản phẩm của gia đình anh Trọng được thương lái vào đặt mua tại vườn. Kể cả khi sản phẩm không xuất được trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 thì vẫn bán tốt ở thị trường nội địa. Tùy theo thị hiếu của khách hàng về màu sắc vỏ quả mà các doanh nghiệp, thương lái đề nghị chủ vườn sử dụng loại bao bọc đặc trưng.

Hiện tại, giống xoài Đài Loan được anh Trọng bao quả bằng 2 loại bao giấy (xuất xứ Đài Loan) mà trước đây được một hợp tác xã liên kết bao tiêu đầu ra giới thiệu. Nhờ loại bao giấy 2 lớp này (ngoài màu vàng, lớp bên trong than đen), khi thu hoạch, vỏ quả xoài có màu sáng, xanh trắng, mướt mịn rất đẹp mắt. Xoài được bao bọc bằng bao giấy màu trắng thì khi thu hoạch vỏ quả lại có màu xanh đậm.

Anh Trọng phân tích, nếu so sánh chi phí đầu tư giữa bao quả (tiền mua bao bọc quả và công lao động đi bao) và không bao quả (phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và công đi bơm thuốc) thì bằng nhau. Tuy nhiên, giá trị việc bao quả là hiệu quả kinh tế tăng, sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Tương tự, gia đình anh Võ Duy Tân (thôn 9, xã Hòa Phú) cũng sử dụng bao quả từ khi quả còn non với nhiều loại cây ăn quả như ổi, bưởi, xoài… Anh Tân chia sẻ, mỗi loại quả khác nhau sẽ có những túi bao quả chuyên dụng tương ứng. Khi tìm hiểu và sử dụng các loại bao bọc quả cần chú ý đến tính lý hóa của các loại bao, phù hợp với đặc điểm của từng loại quả.

Chẳng hạn như quả bưởi thì phải dùng loại bao tự hoai mục trước khi thu hoạch một thời gian, để quả già tiếp xúc với ánh sáng thì màu da mới đẹp. Riêng quả ổi, khi dùng biện pháp bao quả, hiệu quả kinh tế tăng gần 50% so với không bao quả bởi nó hạn chế tối đa côn trùng chích hút và bào tử nấm xâm nhập, không phải sử dụng thuốc hóa học; việc bao bọc quả còn tránh được sự va đập quả với nhau, giảm tình trạng rụng, nứt và thối quả.

Cẩm Lai


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.