Multimedia Đọc Báo in

Những phụ nữ Cư A Mung năng động trong phát triển kinh tế

09:33, 29/10/2021

Cư A Mung là xã vùng III của huyện Ea H’leo, tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Để vươn lên thoát nghèo, nhiều hội viên phụ nữ tại đây đã mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo.

Thu nhập khá từ trồng nhãn Hương chi

Trước đây, gia đình chị Mông Thị Loan (dân tộc Tày, trú thôn 10a) chủ yếu trồng cà phê, hồ tiêu. Những năm gần đây, khi giá cả các mặt hàng nông sản liên tục xuống thấp, chị Loan trăn trở tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế.

Một lần xem ti vi chị biết đến cây nhãn Hương chi, chị Loan bắt đầu lên mạng tìm hiểu và quyết định sang tận huyện Ea Kar để tham quan mô hình trồng nhãn. Đầu năm 2019, chị bàn với chồng mạnh dạn mua 300 cây giống nhãn Hương chi về trồng thử nghiệm. Khi mới trồng, do chưa nắm vững kỹ thuật nên cây thường xuyên bị sâu bệnh, năng suất thấp.

Không đầu hàng trước khó khăn, thất bại, chị Loan tích cực học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng và áp dụng hiệu quả vào vườn cây của gia đình. Đến nay, vườn nhãn phát triển tốt, ít sâu bệnh.

Giống nhãn Hương chi tỏ ra phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại xã Cư A Mung, nhãn trồng sau 3 năm là cho thu hoạch vụ chính; quả có cùi dày, vị ngọt thơm nên rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Đầu tháng 2-2021, gia đình chị Loan thu bói được gần 2 tấn nhãn, bán với giá trung bình 35.000 đồng/kg, tổng thu nhập đạt 50 triệu đồng.

Chị Mông Thị Loan (bìa phải) giới thiệu về mô hình trồng nhãn của gia đình.

Không chỉ thu hoạch quả, gia đình chị Loan còn chiết cành bán giống cho bà con trong thôn và các xã lân cận với giá 25.000 đồng/cây và 35.000 đồng/bầu. Cây nhãn chiết được trồng phát triển mạnh, dễ chăm sóc, thời gian sinh trưởng khá nhanh, sau 3 - 4 năm là cho thu hoạch.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây nhãn, đầu năm 2020 đến nay, gia đình chị trồng thêm 700 cây nhãn Hương chi trên diện tích đất của gia đình. Hiện nay, nhiều người dân trên địa bàn xã cũng đến vườn nhãn của gia đình chị tham quan học hỏi kinh nghiệm.

Năng động phát triển kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi

Từng thuộc diện hộ nghèo, chị Vũ Thị Quyên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 4 đã nỗ lực vượt qua hoàn cảnh, năng động vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Năm 2016, nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, chị Quyên đầu tư 40 triệu đồng vào chăm sóc cao su, cà phê. Trên diện tích đất của gia đình chị Quyên có hơn 1 ha cao su và 4 sào cà phê. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây ăn trái, năm 2018 chị quyết định trồng xen thêm sầu riêng, bơ và mít Thái.

Ngoài ra, chị còn đầu tư vào phát triển chăn nuôi. Hiện nay, gia đình chị nuôi 6 con bò, 12 con dê và 6 con heo. Năm 2020, chị Quyên thu được 1 tấn cà phê, 3 tấn mủ cao su và bán được 2 con bò, 5 con dê với tổng thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Chị Vũ Thị Quyên (bên trái) chăm sóc đàn dê.

Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế gia đình, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 4, chị Quyên đã tích cực tuyên truyền, vận động hội viên đẩy mạnh các phong trào thi đua, xây dựng mô hình con đường hoa, thực hiện phong trào “5 không, 3 sạch”, “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cùng giúp nhau xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2017 đến nay, chị Quyên đã giúp 40 hội viên khó khăn được tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số vốn 2 tỷ đồng.

Nguyễn Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.