Multimedia Đọc Báo in

Nông dân năng động

08:28, 07/02/2023

Thời gian qua, nhiều nông hộ người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Cư M’gar đã năng động, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tìm tòi các mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện gia đình nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Tăng lợi nhuận với nuôi dê và trồng nấm

Trước đây, gia đình anh Vi Thành Đua (dân tộc Thái) ở buôn Thái, xã Ea Kuêh có 4 sào cà phê trồng xen với hồ tiêu và chăn nuôi lợn. Tuy nhiên, do chi phí đầu tư cho sản xuất cao nhưng lợi nhuận mang lại thấp, không ổn định nên anh Đua nung nấu ý định chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

Sau khi nghiên cứu trên sách, báo và các phương tiện thông tin đại chúng cũng như đi tham quan nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, anh Đua thấy nuôi dê đơn giản, lại phù hợp với điều kiện của gia đình.

Nghĩ là làm, năm 2020 anh đã bán toàn bộ đàn lợn để đầu tư mua 6 con dê sinh sản giống Boer về nuôi; tiến hành cải tạo chuồng nuôi lợn thành chuồng nuôi dê. Cùng với đó, anh còn thực hiện tái canh vườn cà phê đã già cỗi bằng giống cà phê vối TR4 nhằm cải thiện nguồn thu nhập.

Anh Vi Thành Đua (bên trái) giới thiệu mô hình chăn nuôi dê.

Nhờ chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, lại chủ động được nguồn phân dê bón cho các loại cây trồng nên đàn vật nuôi và vườn cây của gia đình anh Đua đều sinh trưởng, phát triển tốt, tiết kiệm được đáng kể chi phí đầu tư.

Hiện nay anh đã mở rộng chuồng trại chăn nuôi lên hơn 100 m2 với trên 50 con dê, trong đó có 30 con dê sinh sản.

Chưa dừng lại ở đó, anh Đua còn học hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm để triển khai trồng nấm. Năm 2022, anh đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm trên diện tích 50 m2 với hai loại nấm chủ lực là bào ngư và nấm sò.

Bình quân mỗi tháng anh cung cấp ra thị trường trên 3 tạ nấm với giá bình quân 30.000 đồng/kg. Nhờ phát triển sản xuất theo hướng đa cây, đa con nên thu nhập của gia đình anh Đua hiện ổn định, ở mức khoảng 300 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết các chi phí.

Tìm hướng đa dạng nguồn thu để thoát nghèo

Năm 2013, khi mới lập gia đình, chị Hoàng Thị Hồng Linh (dân tộc Tày) ở thôn Đoàn Kết, xã Ea Drơng chưa có công ăn việc làm ổn định; chồng chị thì làm công nhân ở một công ty chuyên sản xuất phân bón gần nhà.

Anh chị chỉ có 2,6 sào đất trồng cà phê xen với hồ tiêu nhưng hiệu quả kinh tế không cao, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Chị Hoàng Thị Hồng Linh (bên trái) chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với người dân địa phương.

Với suy nghĩ phải thoát được nghèo, vợ chồng chị Linh quyết định cải tạo 1 sào đất trong vườn để trồng rau kết hợp chăn nuôi các loại gia cầm vừa cung cấp nguồn thực phẩm cho gia đình, vừa cải thiện thêm thu nhập.

Nhờ chú trọng vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hạn chế sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm rau củ của gia đình được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện chị cung cấp rau xanh cho một trường học, một số cơ sở dịch vụ gia chánh ở địa phương và bán tại chợ. Các phụ phẩm từ trồng rau chị tận dụng làm nguồn thức ăn cho gia cầm.

Nhờ tiết kiệm trong chi tiêu, năm 2017 gia đình chị vay mượn mua thêm được 6 sào rẫy trồng cà phê xen hồ tiêu và một số loại cây ăn quả khác. Năm 2019 chị còn chăn nuôi dê với số lượng đàn hiện nay hơn 20 con, trong đó có 13 con dê cái sinh sản.

Nhờ đa dạng nguồn thu nên thu nhập của gia đình chị Linh khá ổn định, trả hết được nợ và có điều kiện lo cho 3 con ăn học. Cuối năm 2020 gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo, hiện thu nhập mỗi năm của gia đình chị đạt khoảng 70 triệu đồng sau khi đã trừ hết các chi phí.

H’Xiu Êban

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nỗ lực ngăn chặn “tín dụng đen” xâm nhập học đường
Mặc dù các lực lượng chức năng của tỉnh Đắk Lắk liên tục có các biện pháp trấn áp, truy quét, nhưng các ổ nhóm "tín dụng đen" vẫn có dấu hiệu hoạt động trái pháp luật. Hiện nay, học sinh là nạn nhân mà các đối tượng này hướng đến.