Nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng
Chiều 5/5, tại tỉnh Kon Tum, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác quản lý bảo vệ rừng (QLBVR) và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2023, 4 tháng đầu năm 2024 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và UBND các tỉnh, thành trong cả nước.
Tại điểm cầu Đắk Lắk có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thiên Văn; đại diện các sở, ngành, địa phương và chủ rừng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị. |
Cả nước hiện có 14.860.309 ha rừng, trong đó, rừng tự nhiên 10.129.751 ha, rừng trồng 4.730.557 ha. Diện tích rừng đủ tiêu chí tính độ che phủ là 13.927.122 ha, độ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%. Năm 2023, toàn quốc phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng (giảm 597 vụ so với năm 2022), diện tích rừng bị tác động 1.047,8 ha. Từ đầu năm đến nay, phát hiện 650 vụ, tác động đến hơn 182 ha rừng. Về PCCCR, năm 2023, cả nước xảy ra 310 vụ, ảnh hưởng 674,5 ha rừng; 4 tháng đầu năm, xảy ra 89 vụ, ảnh hưởng 498 ha rừng.
Theo đánh giá của các đại biểu, QLBVR và PCCCR có nhiều chuyển biến tích cực, số vụ vi phạm pháp luật về QLBVR giảm xuống. Tuy nhiên, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái pháp luật vẫn diễn ra thường xuyên tại một số vùng trọng điểm, khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, nhất là khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ. Ứng dụng khoa học công nghệ, phương tiện trang thiết bị PCCCR cho lực lượng chuyên môn còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho lực lượng làm công tác giữ rừng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao; kinh phí để trả công cho người tham gia chữa cháy rừng chưa thỏa đáng…
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, thời gian tới, các bộ, ngành Trung ương cần rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách về lâm nghiệp để nâng cao năng lực QLBVR và PCCCR, đáp ứng yêu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác QLBVR và PCCCR và chỉ đạo các địa phương phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; chú trọng công tác truyền thông những nội dung liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp, trong đó, thông tin về dự báo khí tượng thủy văn và cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải thực hiện một cách chính xác, kịp thời.
Đối với các địa phương, phải coi công tác QLBVR và PCCCR là nhiệm vụ chính của mình; quan tâm, chăm lo đời sống của lực lượng làm nhiệm vụ giữ rừng; đồng thời, rà soát các kế hoạch, phương án và chuẩn bị PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ” để không bị động khi xảy ra cháy rừng.
Minh Chi
Ý kiến bạn đọc