Multimedia Đọc Báo in

"Đánh thức" tiềm năng

07:44, 13/11/2024

Là 1 trong 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, Tây Nguyên đứng trước nhiều thời cơ và thách thức trong bối cảnh biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh từ sản phẩm nông nghiệp khác và yêu cầu ngày càng cao từ thị trường tiêu thụ.

Khẳng định vị thế

Tây Nguyên có hơn 5 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có 1,3 triệu ha đất đỏ bazan, cùng với khí hậu thuận lợi, tài nguyên thiên nhiên đa dạng. Từ lợi thế sẵn có, Tây Nguyên nhanh chóng trở thành vùng nguyên liệu nông nghiệp lớn của cả nước, với trên 668.500 ha cà phê (chiếm 96% diện tích cả nước), trên 228.000 ha cao su (chiếm 24,6%), 77.600 ha hồ tiêu (chiếm 66%), 75.500 ha sầu riêng (chiếm 50%), 6.700 ha chanh dây (chiếm 70% diện tích cả nước)... Ngoài ra, diện tích trồng các loại dược liệu quý như: sâm Ngọc Linh, sâm dây, nấm linh chi đỏ, đinh lăng, hà thủ ô, đương quy, hoa hòe… ở đây cũng đang phát triển nhanh để hình thành các vùng dược liệu tập trung.

Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, Đắk Lắk nằm ở trung tâm của vùng, là địa phương có nhiều mặt hàng nông sản phong phú, với diện tích, sản lượng, chất lượng hàng đầu cả nước như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, sầu riêng, mật ong, yến sào… Đặc biệt, thời gian gần đây, hệ thống kết cấu hạ tầng đã được đầu tư phát triển sẽ mở ra cơ hội lớn cho thu hút đầu tư vào các lĩnh vực còn dư địa lớn của tỉnh, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: Thuận Thắm

Trong khi đó, tỉnh Lâm Đồng đang vươn mình thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu của cả nước. Đây là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về một số sản phẩm nông nghiệp như: hoa, rau, chè, cà phê, lụa tơ tằm, cá nước lạnh. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 68.857 ha (20,4% diện tích canh tác). Trong đó, có trên 47.500 ha tưới tiết kiệm; 180 ha nhà kính nhập khẩu thông minh; 1.000 ha sản xuất rau, hoa trên giá thể; 56 cơ sở nuôi cấy mô thực vật, sản xuất trên 73 triệu cây giống cấy mô các loại, trong đó xuất khẩu trên 35 triệu cây, với kim ngạch trên 9 triệu USD…

Ông Nguyễn Trung Đông, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn đánh giá, từ những chính sách ưu đãi đầu tư của Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của chính quyền địa phương, Tây Nguyên đã có những bước tiến vượt bậc sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa IX. Quy mô kinh tế vùng tăng trưởng nhanh chóng, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, năm 2020 đạt khoảng 287.000 tỷ đồng, gấp 14 lần so với năm 2002. Tiếp nối thành công đó, năm 2023, năm đầu tiên các tỉnh Tây Nguyên triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị, đã có đà tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vị thế là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Với những kết quả đạt được và tiềm năng to lớn, Tây Nguyên đang ngày càng khẳng định vị thế là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của cả nước.

Cần khơi thông nguồn lực

Mặc dù có lợi thế và tiềm năng rộng lớn nhưng hiện tại vùng Tây Nguyên vẫn gặp nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách, khoa học công nghệ… Bên cạnh đó, quy mô sản xuất, chế biến nông sản của vùng còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng; các trung tâm chế biến sâu còn thiếu và yếu dẫn đến sản phẩm xuất khẩu thường ở dạng nguyên liệu thô, giá trị không cao. Mặt khác, các sản phẩm nông sản chủ lực chất lượng không đồng đều nên còn gặp phải nhiều "hàng rào" thương mại mang tính kỹ thuật.

Sản phẩm bột rau củ sấy lạnh của tỉnh Lâm Đồng đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Hà Lan, Hoa Kỳ. Ảnh: Thuận Thắm

Một số sản phẩm tuy đang đứng đầu hoặc trong nhóm hàng đứng đầu thế giới nhưng vẫn bị phụ thuộc vào sự biến động của giá cả trên thị trường thế giới hoặc phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các chủ thể tham gia trong chuỗi giá trị xuất khẩu hàng nông sản chưa được xác lập bền vững trên cơ sở gắn kết, cân bằng lợi ích giữa các bên.

Một hạn chế rất lớn của Tây Nguyên tuy là trung tâm sản xuất nông sản lớn của cả nước nhưng các dịch vụ logistics nông nghiệp chưa phát triển, chưa có trung tâm logistics và thiếu hệ thống bến bãi. Doanh nghiệp tại một số địa phương như Đắk Lắk, Gia Lai đang phải thuê, xây dựng kho bãi tại các tỉnh, thành phố như Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh… để tập kết hàng hóa, dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh.

Chính vì vậy, để Tây Nguyên phát triển nhanh và bền vững, trong đó đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp hiệu quả cao, đòi hỏi phải có tư duy mới, tầm nhìn mới. Tây Nguyên cần được khơi thông, phát huy các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.