Multimedia Đọc Báo in

Đừng để lãng phí tài nguyên rừng

08:53, 26/10/2022

Rừng là tài nguyên vô cùng quý giá trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, do nhiều nguyên nhân rừng vẫn thường xuyên bị xâm hại; việc sử dụng tài nguyên rừng cho các mục tiêu phát triển KT-XH vẫn chưa đạt được kết quả đề ra cho thấy nguồn tài nguyên được ví như “vàng” này vẫn đang bị... lãng phí.

Sau khi chia tách tỉnh (năm 2004), Đắk Lắk có khoảng 590.000 ha rừng, nhưng đến nay chỉ còn khoảng 437.700 ha, như vậy đã có hơn 150.000 ha rừng tự nhiên bị xóa sổ. Đây là con số đáng báo động!

Thời gian qua, việc quản lý rừng còn bộc lộ nhiều hạn chế, tồn tại dẫn đến rừng bị phá, đất rừng bị lấn chiếm. Trong đó, về mô hình quản lý, nguồn lực đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) đang tồn tại nhiều bất cập, khiến công tác QLBVR chưa thực sự hiệu quả.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung cùng đoàn công tác của Thường trực Tỉnh ủy kiểm tra vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra vào khoảng tháng 4-2022 tại xã Ya Tờ Mốt, huyện Ea Súp.

Tỉnh Đắk Lắk có 2 vườn quốc gia, 4 ban quản lý rừng đặc dụng, quản lý 227.917,6 ha rừng; 3 ban quản lý rừng phòng hộ quản lý 54.778,2 ha rừng; 13 công ty lâm nghiệp quản lý 201.241 ha rừng; các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế quản lý 58.703,2 ha rừng; 5 đơn vị lực lượng vũ trang quản lý 33.278,8 ha rừng; 5.383 hộ gia đình quản lý 49.526,2 ha rừng; 28 cộng đồng dân cư thôn quản lý 10.058,4 ha rừng; các tổ chức khác quản lý 4.308,5 rừng; UBND cấp xã, tổ chức khác quản lý 98.674,1 ha rừng.

Thực tế cho thấy, chỉ những diện tích rừng đặc dụng thuộc các vườn quốc gia cơ bản đang được quản lý tốt, vì được nhà nước đầu tư tốt hơn, còn rừng tại những nơi khác do nhiều nguyên nhân như lực lượng QLBVR mỏng, thiếu công cụ hỗ trợ; nguồn thu của các đơn vị chủ yếu là tiền hỗ trợ QLBVR nghèo kiệt, rừng không khai thác do đó không đảm bảo tiền lương, chế độ, chính sách cho người bảo vệ rừng… dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng.

Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 127.784 ha đất có nguồn gốc lâm nghiệp bị lấn chiếm. Trong đó, bị xâm canh, lấn chiếm trong các ban quản lý rừng đặc dụng, phòng hộ là 10.067 ha, các công ty lâm nghiệp 35.467 ha, các doanh nghiệp thuê đất 7.014 ha, hộ gia đình và cộng đồng 27.434 ha, lực lượng vũ trang 18.202 ha, các tổ chức khác 981 ha, UBND cấp xã quản lý 28.617 ha.

Tuần tra bảo vệ rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông.

Việc rừng bị phá, lấn chiếm trái phép không chỉ để lại hậu quả về môi sinh, môi trường mà còn ảnh hưởng đến các vấn đề KT-XH của địa phương. Trong đó, việc người dân lén lút phá rừng, canh tác, sinh sống trên đất rừng không chỉ làm tài nguyên rừng bị tổn hại mà còn hình thành những cụm dân cư tự phát, những ngôi làng “nhiều không” ở giữa rừng khiến địa phương vô cùng “đau đầu” trong việc sắp xếp, ổn định dân cư. Bên cạnh đó, việc xâm canh trái phép đất rừng còn gây ra những tranh chấp, kiện tụng dẫn đến mất an ninh tại một số địa phương.

Để nâng cao công tác QLBVR, phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên rừng trong thời gian tới, ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng, cần tổ chức quy hoạch lại rừng, đất rừng; tập trung điều tra, thống kê, đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới trên thực địa cũng như trên hồ sơ của từng chủ rừng, từng địa phương để có cơ sở giao trách nhiệm rõ ràng. Cụ thể hóa trách nhiệm của các ngành, các cấp trong công tác QLBVR để công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ này được hiệu quả hơn; tập trung sắp xếp, đổi mới các công ty lâm nghiệp đi vào thực chất; nâng cao cuộc sống của người dân sống gần rừng để giảm sự phụ thuộc của họ vào rừng; ổn định, sắp xếp dân di cư tự do; đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào rừng...

Vạn Tiếp

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.