Multimedia Đọc Báo in

Phân loại rác thải tại nguồn: Thêm những giải pháp quyết liệt (Kỳ 1)

08:27, 02/11/2022

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều quy định mới  liên quan đến việc thu gom rác thải sinh hoạt, theo đó chậm nhất đến ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân, chủ nguồn quản lý chất thải phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, những trường hợp vi phạm sẽ áp dụng chế tài. Hiện các bước chuẩn bị cho thời điểm thực thi quy định đang được khẩn trương triển khai.

Kỳ 1: Những bước đi ban đầu

Việc phân loại rác thải được xem là khâu hết sức quan trọng trong công tác quản lý chất thải, giúp tiết kiệm chi phí xử lý rác thải, tiết kiệm diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm đất, nguồn nước ngầm, không khí… Theo đó, đã có những mô hình, dự án được triển khai thực hiện thí điểm nhằm hình thành thói quen, nhận thức cho người dân về việc phân loại rác thải tại nguồn. Tuy nhiên, chung quanh vấn đề này vẫn còn bộn bề những khó khăn.

Những mô hình chưa trọn vẹn

Tháng 12/2018, Chương trình thông tin giáo dục truyền thông thí điểm 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) và quản lý chất thải rắn tại TP. Buôn Ma Thuột được triển khai với 500 hộ dân ở địa bàn các phường Thống Nhất, Ea Tam và xã Hòa Phú tham gia với mục tiêu nâng cao nhận thức, thói quen bỏ rác của người dân, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với tổng kinh phí thực hiện trên 2,1 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) chiếm 95% (hơn 2 tỷ đồng) vốn đối ứng của tỉnh 5% (hơn 108 triệu đồng), Chương trình đã mua sắm và trang bị cho các địa phương hơn 300 thùng rác công cộng, 1.500 thùng và sọt rác hộ gia đình, 6.000 túi nilon đựng rác tự phân hủy; tổ chức truyền thông về phân loại rác thải cho 1.124 học sinh ở các trường học và gần 1.500 người tại 10 phường, xã trên địa bàn thành phố…

Bên cạnh đó, đã hỗ trợ 40 hộ dân thực hiện ủ phân từ rác thải hữu cơ nhằm tạo tiền đề để nhân rộng cho các hộ dân khác. Nếu Chương trình thí điểm được thực hiện thành công sẽ làm tiền đề cho việc thực hiện dự án phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Cán bộ Chương trình thông tin giáo dục truyền thông thí điểm 3R hướng dẫn người dân xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) tái chế rác thải làm phân hữu cơ.

Trước đó, từ cuối năm 2010, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý Đô thị và Môi trường tỉnh cũng đã thí điểm cấp phát miễn phí túi ni lông tự hủy để đựng rác thải sinh hoạt cho người dân phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột), từ đó nhằm nhân rộng trong toàn tỉnh. Trung bình mỗi ngày Công ty cấp phát 2.146 túi (tương đương với 19,5 kg) cho các hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn phường.

Việc phân loại rác thải tại nguồn cũng được một số tổ chức, cá nhân triển khai gắn với hoạt động đặc thù, như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... Đơn cử để xử lý rác thải trong sản xuất nông nghiệp, nhiều hộ dân đã tận dụng rác thải, phế phẩm từ nông nghiệp để ủ phân hữu cơ phục vụ ngược lại cho quá trình canh tác cây trồng, vừa giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa tiết kiệm chi phí mua phân bón; đặc biệt, việc bón phân hữu cơ còn giúp tăng năng suất cây trồng, tạo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng…

Đối với rác thải có thể tái chế, các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã triển khai xây dựng mô hình thu gom phế liệu gây quỹ, bảo vệ môi trường. Cụ thể là hướng dẫn các hộ gia đình phân loại rác thải, tích góp rác thải tái chế được như chai nhựa, vỏ lon, sắt vụn, bìa các tông, giấy… để ủng hộ mô hình. Số tiền sau khi thu được từ việc bán phế liệu sẽ hỗ trợ vay vốn hoặc mua thẻ bảo hiểm y tế cho các hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Với cách làm này, không chỉ nâng cao ý thức cho đoàn viên, hội viên và người dân trong việc bảo vệ môi trường xung quanh mà còn kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn.

Hoạt động đổi rác thải lấy rau xanh là cách làm hay nhằm khuyến khích việc phân loại rác thải tại nguồn.

Có thể nói, những mô hình, cách làm trên đã đem lại những tín hiệu khả quan, lan tỏa những thói quen tốt trong bảo vệ môi trường. Nhưng rất tiếc là hầu như mới dừng ở mức phong trào, hoặc không được tiếp tục duy trì và nhân rộng như mục tiêu đã đề ra. Số lượng rác thải rắn sinh hoạt có thể tái chế được thu gom vẫn còn chiếm tỷ lệ rất nhỏ, nhất là ở khu vực đô thị.

Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng, các mô hình, chương trình đều hướng đến mục tiêu phân loại để giảm rác, giảm thải bỏ, tăng tái chế cũng như đặt những bước chân đầu tiên vào con đường phân loại rác. Nhìn ở hướng tích cực, từ những mô hình này có thể rút ra nhiều bài học để khắc phục hạn chế, phát huy điểm mạnh cho hành trình mới.

Độ vênh giữa thực hiện mục tiêu và điều kiện đáp ứng

Theo đánh giá của đơn vị chủ quản chương trình, các mô hình thí điểm chưa đạt hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân, trong đó, trước hết là nhận thức của người dân về việc phân loại rác chưa cao, chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc phân loại rác thải tại nguồn; một số người vẫn còn tâm lý nếu được hỗ trợ thì làm, không còn hỗ trợ thì thôi bởi không có quy định, ràng buộc nào buộc họ phải thực hiện. Nguyên nhân nữa là nhiều địa phương chưa quan tâm công tác tuyên truyền; đồng thời, do đơn vị chức năng chưa có sự chuẩn bị đầu tư trang thiết bị đáp ứng thu gom sau phân loại; quy trình, công nghệ xử lý rác chưa phù hợp, thiếu đồng bộ.

Có thể thấy, với quan niệm cái gì không dùng được, không dùng đến nữa thì vứt đi, lâu nay đa số người dân vẫn có thói quen bỏ tất cả các loại rác gồm cả các loại có thể phân hủy (như thức ăn thừa, rau, củ, quả…) và rác khó phân hủy (chai nhựa, túi ni lông, thủy tinh..) vào chung một túi để chờ xe của công ty môi trường đến thu gom. Cùng với đó, tâm lý người dân vẫn cho rằng việc phân loại rác không quan trọng, đó không phải là trách nhiệm của mình mà của đơn vị làm dịch vụ vệ sinh môi trường.

Công nhân môi trường thu gom rác thải sinh hoạt từ hộ gia đình trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Thừa nhận điều này, bà Cao Thị Gái (phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, ngoài nguyên nhân do thói quen thì một phần cũng do diện tích nơi ở nhỏ hẹp, rác thải có thể phân hủy chẳng biết bỏ đâu, rác thải có thể tái chế thì thỉnh thoảng mới có nên bà đều gom bỏ vào túi rác chung cho tiện. Bà Nguyễn Thị Thủy (phường Tân Thành) cho hay, từ lâu gia đình rất muốn phân loại rác thải nhưng không thể thực hiện bởi tuyến đường của gia đình sinh sống phải hai ngày mới có xe đến thu gom rác một lần nên rác thải dồn lại rất nhiều. Mặc khác, nếu có phân loại thì công nhân môi trường cũng thu gom chung, đó là chưa nói đến việc phải để trong nhà 2 - 3 thùng rác vừa chật nhà, vừa gây ô nhiễm.

Có thể nói, đó cũng chính là thực tế đang diễn ra ở nhiều khu vực trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột; còn đối với khu vực các huyện, thị xã và vùng nông thôn thì việc thu gom rác thường chỉ thực hiện 2 - 3 lần mỗi tuần, thậm chí một tuần chỉ thu gom một lần nên người dân càng ngại phân loại rác thải hơn.

Tính đến cuối năm 2021, trên địa bàn tỉnh chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 579 tấn/ngày, khối lượng được thu gom gần 470 tấn/ngày (đạt 90,7%); chất thải rắn sinh hoạt nông thôn phát sinh khoảng 895 tấn/ngày, khối lượng được thu gom là gần 217 tấn/ngày (đạt 24,2%).

 

(Còn nữa)

Kỳ 2: Để quy định đi vào cuộc sống

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc