Multimedia Đọc Báo in

Phân loại rác thải tại nguồn: Những kết quả đáng ghi nhận ở thị trấn Krông Kmar

08:54, 21/09/2015

Thu gom, phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt luôn là vấn đề bức thiết trong việc bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong khi nhiều đơn vị, địa phương đang lúng túng, gặp khó trong việc phân loại rác thải sinh hoạt thì Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thị trấn Krông Kmar (huyện Krông Bông) đã triển khai mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà và đạt nhiều kết quả khả quan.

Từ đầu năm 2015, Hội LHPN thị trấn Krông Kmar triển khai vận động chị em phụ nữ và người dân trên địa bàn tích cực tham gia thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà nhằm góp phần giữ gìn vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Cách làm cụ thể là mỗi gia đình tự phân loại và đựng rác thải vào 3 thùng riêng biệt. Đối với rác thải hữu cơ (chủ yếu là rau, củ, quả, thức ăn thừa…) thì ngoài cách xử lý là chôn lấp, các hộ gia đình đã tận dụng làm phân bón cho cây trồng; rác tái chế gồm chai lọ nhựa, giấy, kim loại… được bỏ riêng để bán cho những người thu mua ve chai; rác thải vô cơ gồm đất đá, túi ni lông… được tập kết lại rồi chờ xe thu gom rác của công ty môi trường đến đưa đi xử lý. Điều đáng nói là việc triển khai thực hiện mô hình đều dựa trên tinh thần tự nguyện, ý thức tự giác của các hộ dân chứ không hề có sự hỗ trợ kinh phí từ các ban, ngành. Do đó, nhiều gia đình có điều kiện thì trang bị những thùng đựng rác chuyên biệt, những hộ khó khăn thì tận dụng những chiếc xô, chậu cũ, hư hỏng hay các thùng xốp để đựng các loại rác sau khi phân loại. Dẫu mỗi gia đình sử dụng thùng rác khác nhau, nhưng họ đều ý thức được việc phân loại và thực hiện một cách nghiêm túc.
Gia đình chị Nhàn (tổ dân phố 4) phân loại rác thải sinh hoạt  tại nhà.
Gia đình chị Nhàn (tổ dân phố 4) phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà.

Chị Huỳnh Thị Nhàn (tổ dân phố 4) phấn khởi nói, trước đây gia đình chị cũng thu gom rác thải nhưng không phân loại mà gom chung để công nhân môi trường đến đưa đi xử lý. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, lúc nào gia đình cũng có 3 thùng rác để đựng từng loại riêng biệt. Thấy cách làm này ý nghĩa nên chị Nhàn cũng vận động các con và hàng xóm cùng thực hiện để góp phần bảo vệ môi trường. Điều đáng nói là thông qua mô hình này, những loại phế thải như chai lọ nhựa, giấy, vật dụng gia đình bằng nhôm, sắt bị hư hỏng trước đây gia đình chị đều bỏ chung vào thùng rác thì bây giờ đã để riêng, hằng tháng bán cho những người thu mua ve chai cũng đủ tiền đóng lệ phí thu gom rác. Theo bà Nguyễn Thị Hồng Liên (Chi hội trưởng tổ dân phố 4, thị trấn Krông Kmar), tổ dân phố 4 hiện nay đã vận động được 100% hộ dân tham gia thực hiện mô hình phân loại rác thải tại nhà. Nhờ đó, không những ý thức của mọi người được nâng lên mà tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải cũng được cải thiện đáng kể, Đường làng, ngõ xóm giờ đây luôn được giữ gìn vệ sinh sạch sẽ. Kết quả này bắt nguồn từ ý thức của người dân, nhiều hộ mới đầu không phân loại nhưng khi thấy các gia đình trong tổ dân phố đều thực hiện dần dần cũng làm theo, bây giờ đã thành thói quen.

Những năm qua Hội LHPN thị trấn Krông Kmar đã tích cực vận động, tuyên truyền chị em phụ nữ nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như xây dựng nhà tiêu đúng quy chuẩn, sử dụng nước sạch, hạn chế sử dụng túi ni lông, ra quân làm vệ sinh môi trường… Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện mô hình phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà đến nay mặc dù chỉ mới 8 tháng nhưng đã thu hút trên 70% hộ dân tham gia. “Để việc phân loại rác thải trở thành thói quen của mỗi hộ gia đình và xem đây là trách nhiệm của mình trong việc tham gia bảo vệ môi trường, Hội LHPN thị trấn Krông Kmar đã đến từng nhà để vận động, tuyên truyền và phân tích tác hại cũng như lợi ích của từng loại rác để mọi người hiểu và làm theo. Với quyết tâm thực hiện, các chị em trong Ban chấp hành Hội đã kiên trì vận động mọi người tham gia mô hình, để vừa có khoản tiết kiệm từ việc bán phế liệu, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, giảm chi phí thu gom rác”, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn cho biết.

Chất lượng môi trường khu vực nông thôn đang chịu nhiều tác động do chất thải, đặc biệt là rác thải sinh hoạt. Do vậy, việc phân loại rác thải tại nguồn không chỉ góp phần tận dụng rác thải hữu cơ, rác tái chế mà còn góp phần tiết kiệm chi phí trong việc vận chuyển xử lý, chôn lấp. Mong rằng, thời gian đến mô hình phân loại rác thải tại nhà của Hội LHPN thị trấn sẽ được duy trì và tiếp tục phát triển, được các cấp hội phụ nữ triển khai nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng về việc bảo vệ môi trường.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.