Multimedia Đọc Báo in

Những chiếc chai nhựa hữu ích

08:32, 16/06/2023

Một viên pin có thể làm ô nhiễm 500 lít nước hoặc 1 m3 đất trong 50 năm. Việc thu gom pin cũ sau khi sử dụng là hành động cần thiết để bảo vệ môi trường sống của chính chúng ta và những chiếc chai nhựa rỗng đã trở thành công cụ hữu ích.

Nhiều năm nay, anh Châu Tấn Việt cũng như các cán bộ, nhân viên Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lắk (huyện Lắk) đã quen với việc cất trữ pin cũ vào chai nhựa rỗng. Do đặc thù công tác, các anh phải sử dụng khá nhiều pin AA cho máy GPS cầm tay trong những chuyến tuần tra, bảo vệ rừng. Tất cả các viên pin sau khi sử dụng đều được các anh mang về lại trụ sở đơn vị để cất giữ riêng trong những chiếc chai nhựa rỗng.

Không những thế, những lần đến các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng, các anh đều lồng ghép tuyên truyền về tác hại của pin cũ đối với môi trường sống. Bản thân mỗi cá nhân trong tổ tuyên truyền còn trực tiếp nêu gương bằng hành động nhặt pin cũ bà con vứt bỏ ra vườn tược, quanh sân nhà, đường đi để bỏ vào các chai nhựa rồi mang về đơn vị cất giữ.

Anh Châu Tấn Việt (đứng giữa) cùng các đồng nghiệp mang pin cũ đựng trong các chai nhựa đến điểm thu gom của Bệnh viện Mắt Tây Nguyên.

Anh Việt chia sẻ, các viên pin cũ nếu không bảo quản đúng cách sẽ dễ bị oxy hóa trong môi trường độ ẩm cao, từ đó phát thải ra axit và nhiều kim loại nặng nguy hiểm như chì, thủy ngân, cadmium... Khi bỏ vào chai nhựa rỗng, viên pin cũ được “khóa” trong một môi trường khá kín, hạn chế việc tiếp xúc với không khí và độ ẩm. Các chai nhựa cũ không chỉ có nắp vặn tiện lợi cho việc cất giữ pin mà còn khá bền so với việc bảo quản pin bằng túi nilon hay các vật dụng khác. Nhờ vậy, mọi người có thể tích trữ pin cũ qua nhiều năm để chờ các tổ chức tiến hành thu gom, xử lý đúng cách mà không lo ngại việc ảnh hưởng đến môi trường sống của chính mình.

Bản thân anh Việt cũng đã áp dụng cách làm này tại gia đình mình hơn 10 năm qua. Toàn bộ pin cũ từ pin nút áo dùng cho đồng hồ đeo tay đến các loại pin AA, AAA dùng cho thiết bị điện tử, điều kiển từ xa, đồng hồ treo tường… đều được thu gom vào chai nhựa thay vì vứt bỏ cùng rác thải sinh hoạt. Thói quen tốt này còn được vợ chồng anh rèn cho hai con đang ở độ tuổi tiểu học cùng thực hiện để các con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Hưởng ứng “Tháng hành động vì môi trường”, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên đã tổ chức chương trình “Thu hồi pin cũ – Giữ trái đất xanh”. Quầy tiếp nhận pin cũ được bố trí ngay cổng bệnh viện. Nhiều phần quà nhỏ như kính bảo hộ, bình thủy tinh, cây xanh… cũng được ban tổ chức chuẩn bị chu đáo để khuyến khích mọi người mang pin cũ đến cho chương trình.

Chỉ trong thời gian ngắn, chương trình đã tạo hiệu ứng lan tỏa rất tích cực. Từ các em nhỏ đến các bạn trẻ, nhân viên văn phòng, người lao động phổ thông, các cụ già… đã hồ hởi mang rất nhiều pin cũ đến để đổi quà. Trong hai tuần đầu của chương trình, ban tổ chức đã thu gom được hơn 50 kg pin cũ. Toàn bộ số pin này sẽ được bệnh viện chuyển cho đơn vị chuyên xử lý rác thải nguy hại theo đúng quy định.

Một nhóm bạn mang pin cũ đến đổi quà tại Bệnh viện Mắt Tây Nguyên.

Chị Bùi Thị Bích Phượng, Trưởng phòng Marketing, Bệnh viện Mắt Tây Nguyên cho biết, ban tổ chức hoàn toàn bất ngờ với lượng pin mọi người mang đến cho chương trình. Thật đáng mừng khi rất nhiều người trong cộng đồng ý thức cao việc tích trữ pin đã qua sử dụng, chờ thu gom đúng cách và không vứt bỏ bừa bãi ra môi trường hay bỏ chung với rác thải sinh hoạt. Trong đó, nhiều người đã biết cách dùng chai nhựa để bảo quản. Đây là cách bảo quản pin cũ hiệu quả mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện được ngay tại chính gia đình mình.

Không chỉ có các cá nhân mang pin cũ đến đổi quà mà nhiều đơn vị, đoàn thể cũng liên lạc với bệnh viện để đề nghị hỗ trợ thu gom. Vì thế, thay cho việc chỉ tổ chức chương trình trong tháng 6 như dự định ban đầu, bệnh viện đã quyết định kéo dài thời gian tiếp nhận pin cũ đến hết năm 2023 với đầu mối thu gom là các đơn vị, tổ chức, đoàn thể ở địa phương. Đây cũng là một trong những hoạt động ý nghĩa mà bệnh viện tổ chức nhằm hướng đến kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.

Đinh Nga

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.