Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ lò đốt rác sinh hoạt tại hộ gia đình ở Ea Knuếc

08:36, 13/05/2024

Sau hơn hai tháng triển khai, mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” ở xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc) đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp người dân chủ động hơn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, giảm áp lực cho bãi rác thải tập trung vốn đã quá tải.

Tân Hòa 1 và Tân Hòa 2 là hai thôn nằm cách xa trung tâm xã Ea Knuếc. Địa bàn rộng, dân cư phân tán, việc thu gom rác thải sinh hoạt tại đây tồn tại nhiều bất cập như: xe thu gom chỉ đi trên trục đường chính, xe hỏng khiến không thu gom rác kịp thời, không đúng lịch định kỳ…

Anh Nguyễn Văn Tú (bìa phải) chia sẻ về cách sử dụng lò đốt rác sinh hoạt của gia đình.

Ông Lê Việt Hùng, Trưởng thôn Tân Hòa 1 cho biết, mặc dù đã tăng cường các biện pháp tuyên truyền, nhắc nhở nhưng một số bà con vẫn chưa ý thức cao trong việc phân loại và xử lý rác thải, vẫn còn tình trạng vứt rác thải bừa bãi. Vì thế, khi được UBND xã Ea Knuếc lựa chọn để triển khai thí điểm mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình” với giải pháp chính là xây dựng lò đốt rác, cấp ủy, ban tự quản thôn Tân Hòa 1 đã thống nhất lựa chọn 10 gia đình đảng viên và hộ kinh doanh tiên phong làm mẫu để bà con học hỏi, nhân rộng.

Gia đình anh Nguyễn Văn Tú (thôn Tân Hòa 1) có bốn người, lượng rác thải sinh hoạt và rác thải từ dịch vụ kinh doanh, sửa chữa điện gia dụng của anh thường chỉ được phân loại một phần, phần còn lại gom chung để xe rác thu gom theo định kỳ 1 tuần/lần.

Theo tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ xã và tham khảo các lò đốt rác trên mạng, anh đã tự xây lò đốt rác tại góc sân sau của gia đình. Lò đốt rác gồm hai ngăn: ngăn đốt rác phía trên và ngăn lấy tro bên dưới. Cửa ngăn đốt rác được bố trí ngay tầm tay, thuận tiện cho việc bỏ rác vào bên trong. Ngoài ra, lò còn có ống thoát khói lên cao và mái che để ngăn mưa tạt làm rác ẩm ướt. Từ khi xây dựng lò đốt rác, các thành viên trong gia đình anh thực hiện việc phân loại rác thải tốt hơn.

 

“Tiếp tục nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ tốt việc phân loại rác thải tại nguồn và chủ động xử lý rác thải, phấn đấu đến cuối năm, toàn xã sẽ có từ 100 lò đốt rác tại nhà, góp phần cùng địa phương trong việc hoàn thiện tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong Bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao” – quyền Chủ tịch UBND xã Ea Knuếc Trần Đàm.

Rác thải hữu cơ như thức ăn thừa, vỏ rau củ quả được tận dụng làm thức ăn cho gia súc, gia cầm hoặc ủ trong vườn cho hoai mục; rác thải có thể tái chế được cất gọn trong các bao lớn để bán phế liệu; phần rác thải còn lại như túi nilon, giấy bẩn không thể tái chế, vải cũ… thì bỏ vào lò. Khoảng hai tuần, anh đốt rác thải một lần.

Nhờ đó, gia đình anh đã chủ động trong việc xử lý rác thải, tiết kiệm được chi phí dịch vụ thu gom rác với số tiền 40.000 đồng/tháng.

Tương tự, ở thôn Tân Hòa 2, 10 hộ thực hiện thí điểm mô hình cũng đã phát huy hiệu quả của lò đốt rác sinh hoạt.

Ông Nguyễn Duy Xuyên, Trưởng thôn Tân Hòa 2 cho hay, thực tế triển khai tại thôn cho thấy, mỗi lò đốt rác có chi phí không cao, chỉ khoảng 500.000 đồng, bà con có thể tận dụng các vật liệu cũ tại nhà để tiết kiệm chi phí.

Khi đã thực hiện phân loại và xử lý rác thải đúng cách, lượng rác còn lại phải đốt không nhiều. Do đó, các hộ là anh em, bà con sinh sống gần nhau có thể sử dụng chung một lò đốt rác chứ không nhất thiết phải xây dựng nhiều.

Từ 10 mô hình thí điểm, cấp ủy, ban tự quản thôn đang tiếp tục vận động bà con học hỏi, nhân rộng để chung tay bảo vệ môi trường sống cho chính mình và cộng đồng dân cư.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.