Huyện Krông Bông: Hiệu quả bước đầu từ mô hình thu gom chất thải nguy hại tại hộ gia đình
Tháng 9/2023, từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Krông Bông phối hợp với UBND thị trấn Krông Kmar triển khai thí điểm mô hình “Phân loại, thu gom và xử lý chất thải nguy hại tại hộ gia đình” nhằm phát huy vai trò của hộ gia đình, người dân trong việc bảo vệ môi trường, hạn chế tối đa rác thải nguy hại phát sinh ra môi trường.
Để việc triển khai mô hình đạt hiệu quả, UBND thị trấn đã chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên thị trấn tổ chức tuyên truyền cho người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa của mô hình, từ đó đã có 100 hộ dân tại tổ dân phố 1 và tổ dân phố 3 tự nguyện đăng ký tham gia.
UBND thị trấn cũng đã lập Ban chủ nhiệm mô hình với 10 thành viên để thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thu gom, phân loại rác thải nguy hại; đồng thời tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ các hộ gia đình vận chuyển lượng rác đã lưu trữ về điểm tập kết chung.
Cán bộ thị trấn Krông Kmar (bên trái) hướng dẫn người dân cách phân loại rác thải nguy hại tại nhà. |
Trên cơ sở thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Phòng TN-MT huyện đã tham mưu cho UBND huyện triển khai xây dựng hai mô hình về thu hồi, tái chế, sử dụng chất thải trên địa bàn huyện giai đoạn 2023 – 2025, gồm: mô hình “Phân loại, thu gom và xử lý chất thải nguy hại tại hộ gia đình” và mô hình “Phân loại và xử lý chất thải thực phẩm tại hộ gia đình", với tổng kinh phí dự kiến hơn 3 tỷ đồng". Trưởng Phòng TN-MT huyện Krông Bông Nguyễn Văn Tâm
|
Tham gia mô hình, các hộ dân được tập huấn, hướng dẫn cách nhận biết, phân loại các chất thải nguy hại và được cấp một chiếc thùng lưu trữ chất thải loại 20 lít để lắp đặt tại nhà. Tại khuôn viên trụ sở UBND thị trấn cũng lắp đặt 5 thùng lưu trữ chất thải (loại 240 lít) để tiếp nhận lượng rác thải nguy hại từ các hộ dân. Sau một năm thực hiện mô hình, toàn bộ khối lượng rác thải nguy hại thu gom được sẽ do Phòng TN-MT huyện phối hợp với đơn vị chức năng tiến hành vận chuyển và xử lý theo đúng quy định.
Theo bà Vũ Thị Hiếu, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn kiêm Phó Ban chủ nhiệm mô hình, thời gian đầu triển khai, nhiều hộ vẫn chưa thành thạo trong việc nhận biết đâu là rác thải nguy hại nên các thành viên Ban chủ nhiệm thường xuyên đến từng nhà hướng dẫn cách phân loại rác và vận động người dân duy trì mô hình. Nhờ vậy, thay vì cho tất cả các loại rác thải lẫn lộn vào túi rồi đưa ra nơi thu gom rác hằng ngày, thì nay các hộ dân đã hình thành được thói quen phân loại rác tại nguồn, góp phần giảm thiểu được lượng rác thải nguy hại ra môi trường.
Chị Trần Ngân (tổ dân phố 3) cho hay, trước đây khi gia đình có bóng đèn huỳnh quang bị hư, pin thải hoặc thuốc tây đã hết hạn sử dụng đều để chung trong rác thải sinh hoạt. Từ ngày tham gia mô hình, được thành viên Ban chủ nhiệm mô hình tuyên truyền, hướng dẫn, chị đã gom lại bỏ gọn vào thùng lưu trữ, chờ khi đầy thì sẽ mang ra điểm tập kết chung. Hiểu được tác hại của rác thải nguy hại đối với môi trường, chị cũng đã vận động người thân, hàng xóm xung quanh cùng hưởng ứng và thực hiện.
Người dân tổ dân phố 3 (thị trấn Krông Kmar) bỏ rác thải nguy hại vào thùng lưu trữ. |
Trưởng Phòng TN-MT huyện Nguyễn Văn Tâm cho biết, sau hơn 8 tháng triển khai, mô hình “Phân loại, thu gom và xử lý chất thải nguy hại tại hộ gia đình” đã mang lại hiệu ứng tích cực, giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi trong xử lý rác thải nguy hại, từng bước xây dựng lối sống thân thiện với môi trường; góp phần cùng địa phương từng bước hoàn thiện, nâng cao tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đây cũng là tiền đề để huyện tiếp tục nhân rộng mô hình ra tất cả các xã trên địa bàn.
Trước đó, huyện đã xây dựng nhiều bể chứa tại các cánh đồng, khu vực nương rẫy để bà con nông dân thuận tiện thu gom các loại chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng, góp phần bảo vệ đồng ruộng và môi trường nông thôn.
Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc