Multimedia Đọc Báo in

Nan giải vấn đề xử lý rác thải tại huyện Buôn Đôn

08:18, 04/06/2024

Hơn 12 năm qua, bãi rác “tạm” tồn tại ngay trong khu dân cư của huyện Buôn Đôn đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân. Mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp xử lý song vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Dai dẳng tình trạng ô nhiễm

Bãi rác “tạm” được quy hoạch và đưa vào sử dụng từ năm 2012 với diện tích 1 ha tại thôn 4 (xã Ea Wer) giao cho Công ty TNHH Môi trường Hoàng Phương Nam xử lý. Ban đầu chỉ là bãi rác trung chuyển nhưng đến nay đã trở thành bãi chứa rác của hầu hết các xã trong toàn huyện.

Suốt 12 năm qua, bãi rác nằm lộ thiên ngay giữa khu dân cư gây ô nhiễm, lại xuất hiện tình trạng đốt trộm rác khiến khói độc tràn vào khu dân cư, ảnh hưởng trực tiếp tới các hộ ở thôn 3, 4, 7 và 9.  Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị đến chính quyền địa phương và phản ánh trong những buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND tỉnh nhưng thực trạng ô nhiễm tại bãi rác này vẫn chưa được giải quyết.

Bãi rác mới chưa hoàn thành nhưng bãi rác cũ tại thôn 4 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) đã quá tải, không thể chôn lấp thêm.

Tình trạng “sống chung” với khói độc kéo dài khiến người dân bức xúc, nhiều người còn có ý định tìm kiếm nơi định cư khác để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe. Bà N.T. T. (thôn 3) than thở: “Nếu một tuần không gom rác là cả thôn bốc mùi, nhưng rác tập kết về một chỗ khiến gia đình tôi không thể nào chịu nổi, dù đã đóng cửa cả ngày để hạn chế mùi hôi thối nhưng không tránh khỏi khói độc mỗi lần rác bị đốt. Mặc dù rất muốn chuyển đi nơi khác nhưng điều kiện kinh tế khó khăn nên phải chấp nhận chịu đựng tình cảnh này suốt 22 năm qua”.

Điều lo ngại nhất là hiện nay số lượng rác tập kết quá lớn, vào mùa mưa, nước rỉ rác ngấm vào nguồn nước ngầm và suối đầu nguồn của thôn 9. Ông H.V.A. (thôn 9) bức xúc: “Nhiều năm qua, người dân trong thôn chủ yếu lấy nước suối và giếng khoan để sinh hoạt và ăn uống. Thế nhưng một vài năm trở lại đây, không rõ nguyên nhân từ nguồn nước hay vấn đề gì mà số lượng người dân trong thôn đau ốm nhập viện nhiều hơn trước. Lo sợ nguyên nhân là vì nguồn nước bị ô nhiễm nên hiện tại, hầu hết bà con trong thôn đều phải mua nước sạch để nấu nướng, ăn uống”.

Theo ông Trần Minh Trình, Bí thư Đảng ủy xã Ea Wer, mặc dù Công ty TNHH Môi trường Hoàng Phương Nam đã thường xuyên xử lý, chôn lấp rác thải nhưng do số lượng rác thải rất lớn và phát sinh ngày càng nhiều nên tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra dai dẳng. Trong lúc đợi quy hoạch bãi rác mới, chính quyền địa phương đã tìm các biện pháp xử lý tạm nhằm hạn chế thấp nhất sự ô nhiễm như: kêu gọi nhiều doanh nghiệp về đầu tư; tăng cường kiểm tra việc xử lý rác...

Bãi rác mới đã được quy hoạch nhưng... còn "vướng"

Sau nhiều lần bà con cùng chính quyền xã kiến nghị, phản ánh lên các cấp, ngành chức năng về vấn đề di dời bãi xử lý rác thải tại thôn 4 (xã Ea Wer), đến nay, UBND tỉnh đã thống nhất vị trí, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn huyện và chủ trương lập quy hoạch chi tiết xây dựng làm cơ sở triển khai Dự án Bãi chôn lấp chất thải rắn tại thôn 8 (xã Ea Huar). Tháng 8/2023, UBND huyện giao cho Phòng Kinh tế - Hạ tầng bắt đầu thực hiện thu hồi đất lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 với diện tích khoảng 10,24 ha để thực hiện dự án.

Theo Báo cáo tiến độ di dời bãi rác của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, hiện nay, Phòng đã hoàn thành cung cấp dữ liệu thông tin về khu đất quy hoạch bãi rác mới và ký hợp đồng với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện tiến hành công tác kiểm đếm tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng (GPMB). Tuy nhiên, trong quá trình kiểm kê vẫn gặp một số khó khăn.

Cụ thể, cuối tháng 9/2023, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện mời các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện công tác kiểm kê về đất, tài sản, cây trồng gắn liền với đất. Thế nhưng, chỉ có một hộ dân phối hợp thực hiện với tổng diện tích đã kiểm kê hơn 2,32 ha. 4 hộ còn lại dù Phòng đã hai lần ban hành giấy mời về việc kiểm kê tài sản trên đất trong tháng 10/2023 nhưng vẫn không phối hợp thực hiện với lý do “không đồng ý việc quy hoạch và xây dựng với bãi rác hiện tại”. Để đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch của UBND huyện đề ra, Phòng đang xem xét thực hiện công tác cưỡng chế kiểm đếm bắt buộc đối với 4 hộ này.

Ông Bùi Văn Vinh, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Buôn Đôn cho biết, ngoài khó khăn trong công tác GPMB, kinh phí đền bù GPMB rất lớn, thì nguồn kinh phí của huyện không đủ để triển khai ngay trong một đợt mà phải kéo dài theo từng năm. Bởi vậy, để giải quyết vấn đề di dời bãi rác trước mắt, thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện phương án GPMB đến đâu làm bãi chôn lấp rác thải đến đó cho người dân an tâm sinh hoạt, ổn định cuộc sống. Phòng cũng kiến nghị UBND huyện giao cho các đơn vị có liên quan sớm thực hiện công tác GPMB để có mặt bằng thực hiện theo quy định. Đồng thời, sớm bố trí kinh phí thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, với tổng tiền khoảng 750 triệu đồng.

Thiện Nhân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.