Vươn mình cùng lối sống xanh
Sống xanh dần trở thành xu hướng được mọi người lựa chọn để phát triển tương lai bền vững cho bản thân và xã hội.
Không chỉ dừng lại ở việc thay đổi lối sống, từ bỏ những thói quen không tốt, nhiều người đã chọn sử dụng và phát triển những sản phẩm từ tự nhiên nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường.
Chất tẩy rửa từ cỏ cây
Hơn ba năm tìm hiểu về lối sống xanh thông qua các phương tiện truyền thông và nền tảng mạng xã hội, chị Nguyễn Thị Oanh (38 tuổi, thôn Đoàn Kết 1, xã Ea Tih, huyện Ea Kar) đã tiến hành nấu và sử dụng những sản phẩm từ thiên nhiên.
Chị Oanh cho hay: “Theo dõi trên nền tảng mạng xã hội, tôi thấy nhiều người tận dụng những phế phẩm không dùng tới trong sinh hoạt để làm dung dịch tẩy rửa. Từ đó, tôi bắt đầu tìm tòi, học hỏi cách ngâm dung dịch tẩy rửa enzyme sinh học từ những thứ tưởng chừng sẽ bị bỏ đi như vỏ bưởi, vỏ dứa, nước vo gạo… Sau khi kết hợp cùng nhiều loại nguyên liệu khác như bồ hòn, sả… sẽ cho ra một loại dung dịch làm sạch rất hiệu quả mà lại an toàn cho sức khỏe”.
Chị Nguyễn Thị Oanh sơ chế nguyên liệu để nấu các sản phẩm tẩy rửa hữu cơ. |
Quá trình đưa vào sử dụng, chị thấy sản phẩm mang lại nhiều hiệu quả tốt như làm sạch vết dầu mỡ, không có mùi, không hại da tay… tuy nhiên, khi sử dụng dung dịch enzyme trong thời gian dài sẽ gây ố vàng chén, đĩa sứ trắng. Chính vì vậy chị đã tìm hiểu, thử nghiệm và làm ra sản phẩm nước tẩy rửa hữu cơ đa năng. Với sự kết hợp của hơn 10 loại nguyên liệu như bồ kết rừng, vỏ bưởi, chanh, hương nhu, bạch chỉ, sả… được đun nấu thủ công trên bếp củi hơn 10 tiếng cho ra một dung dịch đặc sánh. Sản phẩm này không chỉ loại bỏ được vết bẩn, không gây ố vàng chén, đĩa mà còn có thể dùng để rửa trái cây. Bằng việc tinh chế, gia giảm thành phần nguyên liệu, chị còn làm ra được nhiều sản phẩm khác như dầu gội, sữa tắm…
Thấy hiệu quả rõ rệt, chị Oanh đã chia sẻ, giới thiệu sản phẩm cho người thân, bạn bè sử dụng và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Hiện tại, chị đang thực hiện các quy trình kiểm nghiệm, hồ sơ pháp lý để có thể mang tới cho người tiêu dùng những sản phẩm đạt chất lượng.
Thúc đẩy sản xuất nông sản hữu cơ
Chị Nguyễn Thị Minh Thư (35 tuổi, thôn Quảng Tiến, xã Tiến Phát, huyện Cư M'gar) hiện đang phát triển sản phẩm trà mãng cầu và trà khổ qua rừng. Chị Thư bày tỏ: “Hướng tới lối sống xanh, người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, an toàn, lành tính. Mãng cầu và khổ qua rừng vốn là những loại thực phẩm giàu dưỡng chất; khi được chế biến thành trà, chúng mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường, hỗ trợ bệnh nhân cao huyết áp… Ngoài ra, tôi nhận thấy ở địa phương cũng đang sẵn có nguồn nguyên liệu này nên đã tìm tòi, học hỏi và chế biến thành các loại trà”.
Chị Nguyễn Thị Minh Thư sơ chế nguyên liệu cho sản phẩm trà mãng cầu. |
Để đảm bảo chất lượng cho sản phẩm, những bên cung cấp nguyên liệu đầu vào cho chị đều phải có cam kết sản phẩm hữu cơ, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật... Sau khi thu mua nông sản sạch, chị tiến hành sơ chế, ngâm muối, loại bỏ những phần hư hỏng và sấy trong 5 - 6 giờ ở nhiệt độ từ 120 - 140oC tùy loại. Sau đó sao vàng trên lửa lớn để có được mùi thơm, các mảnh trà bị cháy hoặc không đạt chuẩn sẽ được loại bỏ và đưa vào đóng gói. Thành phẩm sẽ có màu vàng nâu đều, đẹp mắt, mùi thơm dịu và giữ nguyên được các công dụng đối với sức khỏe. Thông thường, cứ 10 kg nông sản tươi sẽ cho ra 1 kg trà thành phẩm; mỗi tháng chị có thể sản xuất ra từ 50 – 60 kg trà các loại.
Ban đầu, sản phẩm của chị được nhiều người biết tới thông qua lời giới thiệu của khách hàng, bạn bè, người thân từng sử dụng và cảm nhận được những tác động tích cực tới sức khỏe của họ. Bên cạnh đó, sản phẩm còn được tiếp cận với người tiêu dùng thông qua những gian hàng trưng bày tại các chương trình như Ngày hội tư vấn khởi nghiệp cho thanh niên năm 2023…
Ngoài ra, chị Thư còn là chủ nhiệm của Tổ hợp tác thanh niên xã Quảng Tiến (huyện Cư M'gar), nơi tập hợp các bạn thanh niên trên địa bàn xã có đam mê khởi nghiệp với các ngành nghề nông nghiệp như chăn nuôi, trồng cây ăn trái… “Hiện tại, tổ hợp tác của mình đang có 8 thành viên. Đa số nông trại của mỗi bạn đều trồng từ 20 – 30 cây mãng cầu và 1 – 2 sào khổ qua rừng. Ban chủ nhiệm thường xuyên phối hợp với các đơn vị khuyến nông, các đơn vị tư vấn tổ chức các buổi hỗ trợ, chia sẻ phương pháp trồng, chăm sóc cây đạt chuẩn hữu cơ. Từ đó, nguồn nguyên liệu đầu vào của tôi sẽ luôn được đảm bảo về cả chất lượng lẫn số lượng”, chị Thư chia sẻ.
Hiện nay, trên thị trường tỉnh Đắk Lắk có khá nhiều thương hiệu phát triển từ xu hướng sống xanh như Sản phẩm thiên nhiên Mộc Tâm, Trà thảo mộc Cô Ngát Natural, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Pơ Lang… nhận được sự quan tâm của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Với tiềm năng là vùng có nguồn nông sản dồi dào, đạt chất lượng cao, tin rằng trong tương lai nếu nhận được sự quan tâm, đầu tư thỏa đáng, những người con của vùng đất đỏ bazan sẽ cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm từ thiên nhiên; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tận dụng triệt để nguồn tài nguyên và xây dựng một lối sống xanh, bền vững.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc