Giáo dục học sinh bảo vệ môi trường
Thực hiện chương trình tích hợp giáo dục môi trường ở bậc tiểu học, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt thực hiện bằng nhiều cách khác nhau để giúp học sinh hiểu rõ hơn về mối liên quan giữa con người và môi trường; từng bước phát triển kỹ năng tư duy phản biện, sáng tạo để trở thành công dân có ý thức về môi trường, tham gia tích cực vào việc bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Thực hành về... rác!
Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh vừa tổ chức Cuộc thi vẽ tranh làm cho thế giới sạch hơn năm 2024 với chủ đề “Bảo vệ môi trường” tại Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M’gar).
Tại cuộc thi, các em học sinh đã được đi từ việc nắm bắt kiến thức, thông tin về cách thức bảo vệ môi trường đến thực hành phân loại rác, vẽ tranh về chủ đề bảo vệ môi trường… Theo đó, học sinh được giáo viên hướng dẫn cách thức nhận diện các loại rác thải và thực hành phân loại rác thải từ gia đình mình.
Để thực hiện hoạt động này, nhà trường đã chuẩn bị một lượng rác trên sân trường, hướng dẫn học sinh mang bao tay nilon và nhặt rác bỏ vào từng thùng rác dựa theo màu sắc: rác thải hữu cơ bỏ vào thùng rác màu xanh; rác thải có thể tái chế bỏ vào thùng rác màu trắng…
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M'gar) tìm hiểu sản phẩm tái chế bên thềm Cuộc thi vẽ tranh làm cho thế giới sạch hơn năm 2024. |
Những kiến thức về bảo vệ môi trường được các em tiếp thu và truyền tải sinh động, dễ hiểu qua những hành động cụ thể như vẽ tranh, làm đồ tái chế.
Với bức tranh về trái đất xanh tươi cây cối, em Võ Quỳnh Như (lớp 3B) không chỉ thể hiện năng khiếu hội họa mà còn gửi gắm thông điệp ý nghĩa về bảo vệ môi trường, mong muốn mọi người cùng chung tay trồng nhiều cây xanh để không khí trong lành hơn.
Tại gian hàng trưng bày sản phẩm tái chế, chiếc thùng rác bằng bìa carton của em Cao Nhã Uyên (lớp 3B) đã thu hút sự chú ý của nhiều bạn. Với sự khéo léo và sáng tạo, Nhã Uyên đã biến một chiếc hộp cũ thành chiếc thùng rác mini độc đáo có thể đóng mở dễ dàng với một nút nhấn. Nhã Uyên chia sẻ rằng em đã được ba mẹ hỗ trợ cùng làm thùng rác tái chế với thông điệp “tái sử dụng rác thải góp phần giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường".
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M'gar) tìm hiểu sản phẩm tái chế bên thềm Cuộc thi vẽ tranh làm cho thế giới sạch hơn năm 2024. |
Theo ông Hoàng Xuân Ngân, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường tỉnh, học sinh là một trong những đối tượng được Hội hướng tới bởi các em không chỉ là những người thụ hưởng mà còn là những hạt nhân tích cực, lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường từ nhà trường, gia đình ra cộng đồng nơi sinh sống và học tập. Thời gian tới, Hội sẽ phối hợp với ngành giáo dục tổ chức hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường một cách trực quan, sinh động cho học sinh.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M'gar) thực hành phân loại rác thải trong khuôn khổ Cuộc thi vẽ tranh làm cho thế giới sạch hơn năm 2024. |
Tạo ý thức từ thói quen tốt
Trường Tiểu học Trần Phú (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) đã đưa nội dung giáo dục bảo vệ môi trường vào tiết đọc thư viện trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong tiết đọc thư viện, cô giáo đọc cho học sinh nghe những câu chuyện liên quan đến bảo vệ môi trường được thể hiện bằng hình thức phù hợp với lứa tuổi, sau đó gợi mở, hướng dẫn các em thảo luận, liên hệ thực tế rồi sáng tạo ra thông điệp bảo vệ thiên nhiên và môi trường.
Đơn cử như nghe câu chuyện “Khi gió vào bờ” kể về cô bé gió ngoài biển khơi ham chơi nôn nóng đi vào đất liền tìm bạn mà những bước đi đã biến thành cơn bão tàn phá làng mạc tan hoang đầy rác, các em đã bày tỏ rằng sẽ không vứt rác bừa bãi nữa vì không muốn làm bạn với những cơn bão, hay là trồng thật nhiều cây xanh để cản bước gió...
Cô Nguyễn Thị Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A, Trường Tiểu học Trần Phú chia sẻ rằng, việc giáo dục trẻ bảo vệ môi trường là hoạt động thường xuyên của giáo viên chủ nhiệm với mong muốn tạo thói quen tốt cho các em. Đơn cử, qua câu chuyện trên, các em sẽ nắm bắt và hiểu rõ về các hiện tượng thời tiết bất thường như áp thấp nhiệt đới, bão, đồng thời liên hệ thực tế với cơn bão Yagi gây nhiều thiệt hại vừa qua. Từ câu chuyện hư cấu trong sách đến câu chuyện thực tế, mỗi học sinh sẽ tự xây dựng nên thông điệp cụ thể để tự hình thành ý thức và thực hành bảo vệ môi trường.
Học sinh lớp 5A, Trường Tiểu học Trần Phú (huyện Krông Ana) sáng tạo thông điệp bảo vệ môi trường tại tiết đọc thư viện. |
Thầy Lê Xuân Luyện, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lợi (huyện Cư M’gar) cho hay, với học sinh tiểu học thì hoạt động giáo dục bắt đầu từ thực tế thông qua hành vi nhỏ nhất, thói quen hằng ngày. Cụ thể là dạy trẻ khi sử dụng điện, nước phải biết tiết kiệm; biết phân loại và vứt rác đúng nơi quy định; đến giờ ăn không bỏ thừa thức ăn; biết tái sử dụng đồ cũ; riêng với những đồ đã qua sử dụng hoặc ít sử dụng có thể sắp xếp ngăn nắp. Song hành với hoạt động bảo vệ là xây dựng môi trường sống xanh bằng cách chăm sóc cây xanh trong sân trường, gia đình, không bẻ cành cây, hái hoa…
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc