Multimedia Đọc Báo in

Giữ gìn đại dương xanh

07:10, 03/11/2024

Xác định bảo vệ môi trường biển cũng là một trong những nhiệm vụ của lực lượng vũ trang, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 đã và đang có nhiều việc làm thiết thực nhằm chung tay giữ gìn đại dương xanh.

Những năm 1994 – 1999, Thượng tá Trương Văn Hoàn là phó thuyền trưởng quân sự tàu HQ-624 của Lữ đoàn 171, mỗi lần đi biển làm nhiệm vụ đều vớt rác thải trên biển mang về đất liền xử lý, dù không được giao việc đó.

Ông Hoàn kể: “Tàu của chúng tôi làm nhiệm vụ vận tải quân sự quốc phòng và trực bảo vệ nhà giàn DK1, song anh em đã tình nguyện thu gom rác thải đem về đất liền xử lý mỗi lần thay quân. Cứ nghĩ giữa biển khơi thì rác thải đâu ra? Nhưng không, rất nhiều. Rác thải từ tàu thuyền, từ lưu chuyển các vùng biển khác đến. Nói chung rác thải ở đại dương do con người thải ra chứ không tự nhiên sinh ra”.

Tàu HQ-624 của ông Hoàn trực thuộc Hải đội 812 của Lữ đoàn 171 Hải quân. Cứ hai tháng một lần ông nhận nhiệm vụ chỉ huy tàu vượt sóng ra trực an ninh tại vùng biển DK1. Lúc ra khơi, tàu chở gạo, hàng quân nhu, nước ngọt, đất trồng rau xanh; khi về, tàu chở rác. “Tất cả rác thải được chúng tôi thu vớt trên biển và xin từ tàu cá của ngư dân. Mỗi lần tàu hành trình, anh em đều quan sát mặt biển, có rác là vớt, thấy tàu cá của ngư dân là ghé vô... “xin rác”. Nếp sống đẹp ấy đã thành quen thuộc và duy trì cho đến tận bây giờ”, cựu binh Trương Văn Hoàn chia sẻ.

Tàu hải quân đến nhà giàn gom rác thải.

Còn Trung úy Nguyễn Huy Giáp, nguyên sĩ quan hàng hải Lữ đoàn 171 cho biết, sau thời gian quân ngũ ông chuyển ngành về làm việc tại tàu lặn của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Công việc của người thuyền trưởng tàu lặn là chỉ huy nhóm thợ lặn sâu xuống đại dương tìm rốn dầu, và sửa chữa các công trình giàn khoan dầu khí. Hàng trăm lần ông Giáp “đối mặt” với rác thải dưới đáy biển. Có khi nhóm thợ của ông mất rất nhiều thời gian để gỡ một mảng lưới lớn quấn chặt vào chân đế giàn khoan trước khi “xử lý độ rò rỉ”; lại có khi mất 3 giờ để “hốt rác” từ các kẽ san hô ngầm trước khi đưa mũi khoan vào thăm dò “độ phụt” của dầu.

Ông Giáp chia sẻ: “Trên mặt biển nhìn sạch sẽ là vậy, nhưng dưới bề mặt đáy biển rất nhiều rác thải, nhất là vùng biển có nhiều tàu thuyền của ngư dân hoạt động đánh bắt hải sản. Rác thải đại dương chủ yếu là lưới, chai nhựa, sành vỡ, bát, chén... Rác đó không thể phân hủy được, để lâu ngày đóng tảng bám chặt vào san hô, sinh ra chất thải độc, ảnh hưởng đến các công trình khai thác dầu khí cũng như các loại thủy sản. Biện pháp duy nhất góp phần làm sạch biển là trục vớt rác đại dương đưa về đất liền xử lý”.

Hệ thống nhà giàn DK1 đóng quân ngoài thềm lục địa phía Nam cách đất liền 260 - 450 hải lý. Chung tay bảo vệ môi trường biển, cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 luôn được quán triệt sâu sắc nhiệm vụ “gom rác thải, đem về đất liền”. Trung tá Nguyễn Trung Đức, Chính trị viên Tiểu đoàn DK1 cho biết: “Rác thải nhựa rắn, chai, lọ, gỗ, túi nilon sinh hoạt hằng ngày thải ra được anh em gom đóng trong bao tải. Hai tháng một lần vận chuyển xuống tàu để chở về đất liền xử lý”.

Cũng theo Trung tá Đức, rác thải từ các vùng biển khác theo sóng, gió trôi về và do các tàu của ngư dân xả thải trực tiếp xuống biển ngày càng nhiều. Trước tình hình trên, Tiểu đoàn DK1 đã kêu gọi bộ đội trên 15 nhà giàn tăng cường thu gom, xử lý rác thải. Trong ngày nghỉ, giờ nghỉ, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn sử dụng gậy dài, đầu buộc câu liêm để vớt túi nilon bị sóng đánh dạt vào chân đế nhà giàn. Ngoài ra, 100% chi bộ nhà giàn DK1 còn phát động phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần” và “Bảo vệ một môi trường biển xanh, sạch”.

Tàu cá của ngư dân đến nhà giàn gửi rác về bờ.

Ngoài ra, để tránh tình trạng ngư dân xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển, trong các đợt tàu cá của ngư dân vào khu vực nhà giàn tránh trú gió, bão, chỉ huy nhà giàn lồng ghép các nội dung tuyên truyền, vận động bà con không xả rác thải xuống biển mà gom lại cho nhà giàn “xin” để tàu chở về đất liền xử lý; vận động ngư dân bảo vệ môi trường sinh thái biển bằng cách nói không với hình thức khai thác hải sản bằng cách không nổ mìn, không đổ cặn dầu ra biển…

Chung tay bảo vệ đại dương xanh không chỉ có cán bộ, chiến sĩ các nhà giàn DK1 mà còn là nhiệm vụ của bộ đội Lữ đoàn 171 Hải quân. Để bộ đội “thẩm thấu” ý nghĩa của bảo vệ môi trường, vào những dịp Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới và Tháng hành động vì môi trường hằng năm, Lữ đoàn đã tổ chức các hoạt động như: Ngày thứ bảy tình nguyện, Ngày chủ nhật xanh thu gom rác thải dọc các bãi biển, đồng thời gặp gỡ, vận động người dân, khách du lịch, đặc biệt là ngư dân và các hộ kinh doanh không xả rác ra biển...

Mai Thắng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.