Multimedia Đọc Báo in

Khó khăn trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt

06:30, 25/02/2025

Những năm qua, quá trình đô thị hóa và gia tăng về dân số khiến công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Đắk Lắk gặp nhiều khó khăn.

Công tác thu gom, xử lý bị quá tải

Theo ngành Tài nguyên và Môi trường, trong năm 2024, toàn tỉnh phát sinh khoảng 1.400 tấn chất thải rắn sinh hoạt/ngày (khoảng 539 tấn/ngày tại đô thị và 870 tấn/ngày ở nông thôn). Trong khi đó, mỗi ngày toàn tỉnh chỉ thu gom được khoảng 502,6 tấn rác thải ở đô thị và 318 tấn tại khu vực nông thôn.

Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt còn thấp, nhất là tại khu vực nông thôn là do không có kinh phí xã hội hóa, các tổ chức dịch vụ vận chuyển xử lý chỉ thu gom ở trung tâm xã, khu dân cư tập trung, trục đường chính (quốc lộ, tỉnh lộ, liên xã) nên ở nơi khác, người dân phải tự xử lý bằng hình thức thủ công là đốt hoặc chôn lấp trong vườn.

Bãi rác tạm tại thôn 4 (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) xử lý bằng hình thức đốt. 

Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý rác thải chưa theo kịp sự phát triển của xã hội cũng khiến công tác xử lý rác thải rắn gặp khó. Toàn tỉnh hiện chỉ có 65 bãi, điểm chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, trong đó chỉ có 15 bãi ở vùng nông thôn, với diện tích gần 88,4 ha. Trong khi đó, chỉ có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung ở huyện Cư Kuin và xã Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột) được đầu tư ô chôn lấp có lớp chống thấm theo yêu cầu kỹ thuật hợp vệ sinh. Còn lại, hầu hết bãi chôn lấp chất thải rắn thông thường do các địa phương quản lý là bãi tạm, quy mô nhỏ, chưa được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn quy định. Do đó, rác thải chủ yếu được thu gom, chôn lấp thủ công, xử lý sơ bộ bằng cách phun thuốc diệt ruồi, chất khử mùi và ô chôn lấp chưa được lót đáy chống thấm, bố trí hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường nước, không khí và đất tại khu vực xung quanh.

Tại huyện Cư M’gar, năm 2024, địa phương ghi nhận lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh ước tính 42.000 tấn, trong đó có khoảng 10.000 tấn tại đô thị và 32.000 tấn ở nông thôn. Hiện nay, địa phương chủ yếu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp. Theo đại diện UBND huyện Cư M’gar, việc thu gom và xử lý được thực hiện bởi các công ty chuyên trách có trang thiết bị phù hợp với quy định và thực hiện thu gom rác đúng lịch trình, vận chuyển nhanh chóng đến các bãi chôn lấp trên địa bàn huyện. Tuy hình thức xử lý truyền thống này đang đáp ứng nhu cầu xử lý rác thải hiện tại nhưng về lâu dài sẽ gây nguy cơ quá tải, không đáp ứng được khối lượng chất thải ngày càng tăng, chiếm dụng diện tích đất lớn và gây ô nhiễm môi trường nếu không được kiểm soát chặt chẽ. Điều này sẽ khiến việc xử lý rác thải ngày càng khó khăn, nhất là trong bối cảnh một số bãi chôn lấp rác tại địa phương đang đối mặt với tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Nỗ lực thực hiện các giải pháp

Ông Y Wem H’Wing, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar cho biết, để xử lý lượng lớn chất thải rắn sinh hoạt, huyện đã triển khai các biện pháp thu gom, phân loại và xử lý rác thải, đặc biệt là tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường, tái sử dụng và tái chế rác, đổ rác đúng nơi quy định. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phát huy hiệu quả tổ thu gom rác thải, nhất là tại khu vực nông thôn nằm cách xa trung tâm huyện; khuyến khích người dân phân loại rác thải tại nguồn để tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu lượng rác cần được thu gom đưa đi xử lý. Qua đó, người dân đã dần hình thành thói quen phân loại rác và giảm thiểu lượng rác thải cần được thu gom, xử lý như: rác thải hữu cơ được tận dụng để làm phân bón vi sinh; các loại rác như nhựa, giấy, kim loại được người dân tận dụng cho mục đích khác hoặc bán cho các cơ sở phế liệu… Nhờ vậy, năm 2024 người dân đã tự thu gom, xử lý rác thải tại chỗ khoảng 10.000 tấn; còn lại khoảng 32.000 tấn được thu gom, vận chuyển và xử lý tại bãi chôn lấp.

Tình nguyện viên thu gom rác thải do người dân vứt bừa bãi tại các trục đường.

Tuy nhiên để triển khai các biện pháp xử lý chất thải rắn lâu dài, thời gian tới, UBND huyện Cư M'gar sẽ định hướng những giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt bền vững hơn (công nghệ đốt rác phát điện, tái chế quy mô lớn và xử lý rác thải hữu cơ thành phân bón vi sinh); tìm kiếm nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, doanh nghiệp để có năng lực xử lý rác thải hiện đại, bền vững; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về phân loại rác thải tại nguồn thông qua các chương trình đào tạo, hội thảo…

Về giải pháp quản lý chất thải rắn sinh hoạt bền vững, đại diện Phòng Quản lý môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường) khẳng định, ý thức người dân trong phân loại tại nguồn để giảm lượng rác thải đổ về các khu tập trung chôn lấp rác để tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý là điều tiên quyết.

Bởi vậy, thời gian tới, Phòng Quản lý môi trường sẽ tiếp tục tham mưu triển khai các kế hoạch; phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, UBND các huyện, thị xã, thành phố và đơn vị có liên quan đẩy mạnh và duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường với hình thức đa dạng và phù hợp với từng nhóm đối tượng…

Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành triển khai đầu tư hạ tầng cơ sở về công tác thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đề xuất giải pháp thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào lĩnh vực thu gom, xử lý, tái chế chất thải, trong đó ưu tiên lựa chọn công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện kinh tế của tỉnh, bảo đảm theo quy định về bảo vệ môi trường…

Thiện Nhân


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Đắk Lắk phấn đấu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên
Kỳ họp chuyên đề lần thứ 17, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X diễn ra ngày 19/2 đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh, bổ sung một số chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% trở lên.