Multimedia Đọc Báo in

Công tác hòa giải: Vận dụng khéo léo luật pháp và luật tục

08:47, 28/11/2021

Trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc tuyên truyền thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở luôn được chú trọng với những cách thức phù hợp, đặc biệt là phát huy vai trò cán bộ cơ sở.

Buôn Ky (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%. Để nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, Ban tự quản buôn đóng vai trò quan trọng. Đặc biệt, bản thân mỗi hòa giải viên (nằm trong tổ hòa giải) thường xuyên cập nhật văn bản pháp luật trong các lĩnh vực, đồng thời trau dồi những kỹ năng hòa giải để có thể thực hiện hoạt động hòa giải một cách hiệu quả nhất.

Dựa trên tình hình thực tế, buôn Ky có hai tổ hòa giải, một tổ hòa giải theo phong tục tập quán bao gồm các thành viên như trưởng các dòng họ, già làng, người uy tín… và một tổ hòa giải theo các chính sách pháp luật của Nhà nước bao gồm trưởng buôn, các đoàn thể như Mặt trận, phụ nữ… Khi nắm bắt thông tin về những vụ tranh chấp phát sinh trong buôn, các thành viên trong hai tổ sẽ tìm hiểu thông tin và trao đổi để tìm cách hòa giải hợp tình, hợp lý, nhanh gọn.

Thông thường, tổ hòa giải theo phong tục tập quán sẽ đến các gia đình để phân tích sự việc theo luật tục, phong tục của gia đình, dòng họ, buôn làng… và hòa giải đôi bên. Với những vấn đề phức tạp hơn thì tổ hòa giải theo các chính sách pháp luật sẽ mời các bên ra nhà cộng đồng để hòa giải. Gọi là hai tổ riêng biệt, nhưng trên thực tế hai tổ này luôn hỗ trợ nhau trong công tác hòa giải những vấn đề của buôn.

Ông Nguyễn Văn Minh (Trưởng buôn Ky) tìm hiểu, nghiên cứu các vụ việc trong buôn để tuyên truyền, hòa giải.

Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng buôn Ky thông tin: “Từ đầu năm đến nay, tại buôn Ky xảy ra 7 vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai, gây rối trật tự công cộng, hôn nhân và gia đình. Sau khi nắm bắt thông tin, chúng tôi trực tiếp đến nơi xảy ra mâu thuẫn, áp dụng phương thức chia sẻ như trên và đã hòa giải thành 6/7 vụ, 1 vụ vẫn đang trong quá trình tiến hành hòa giải”. Gần đây xảy ra vụ việc giữa gia đình bà H’Nuan Byă và ông Hoàng Văn Quẩy, con cái của hai gia đình đang tuổi mới lớn nên có những khúc mắc gây hiểu lầm, gây rối trật tự công cộng. Tổ hòa giải của buôn nắm bắt thông tin và can thiệp kịp thời, phân tích thấu đáo cho các cháu hiểu ra những việc làm chưa đúng của mình để sửa chữa. Vụ việc được giải quyết ổn thỏa, hai gia đình đã tháo gỡ khúc mắc.

Cùng với tiến hành hòa giải khi có sự việc xảy ra thì việc tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân một cách thường xuyên, sâu rộng cũng được xem là một biện pháp hòa giải “từ xa”, hạn chế xảy ra những tranh chấp không đáng có.

Chị H’Wen Niê Kđăm, Trưởng buôn Yao (bìa trái) tuyên truyền pháp luật cho người dân.

Đơn cử như tại buôn Yao (xã Ea Tul, huyện Cư M’gar), trong vòng 2 năm nay không xảy ra sự việc tranh chấp nào cần đến sự hòa giải của tổ hòa giải trong buôn. Chị H’Wen Niê Kđăm (Trưởng buôn Yao) cho hay, toàn buôn có 342 hộ với gần 1.500 nhân khẩu, trong đó 90% là đồng bào dân tộc Êđê. Trước đây, khi tình hình dịch bệnh chưa phức tạp, Ban tự quản buôn thường tuyên truyền pháp luật cho người dân thông qua các buổi sinh hoạt buôn, ngày hội đại đoàn kết, có khi ban ngày bà con bận đi làm rẫy thì cán bộ cơ sở linh động tranh thủ đến từng nhà tuyên truyền vào buổi tối.

Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề liên quan mật thiết đến đời sống người dân vào thời điểm đó, cách tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Thời điểm hiện tại, do tình hình dịch bệnh phức tạp, việc tụ họp đông người gần như không thực hiện được, Ban tự quản buôn Yao vẫn duy trì thường xuyên việc tuyên truyền phổ biến pháp luật qua kênh loa đài, qua các nền tảng mạng xã hội.

Để việc tuyên truyền thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở đạt hiệu quả cao, Trưởng buôn H’Wen Niê Kđăm cho rằng hoạt động này cần được cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa; tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải viên hằng năm phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương; kịp thời biểu dương khen thưởng đối với tổ hòa giải, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở nhằm động viên, khích lệ họ thêm tích cực trong công tác.

 Chia sẻ điều này, bà H'Ngok Êban, Trưởng buôn Sut Mđưng (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) nhấn mạnh: "Người hòa giải phải thực sự khách quan, công bằng khi giải quyết. Đồng thời, tổ hòa giải chúng tôi vận dụng quy định của luật pháp và luật tục để giải quyết một cách hài hòa, thấu tình đạt lý thì người dân sẽ đồng thuận".

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.